Ngày 7/8, Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội đã có buổi họp với các cơ quan trung ương về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP chủ trì phiên họp.
Cần nâng cao chất lượng giám định
Tham dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành: Công an, Y tế, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp và các thành viên UBTP.
Tại buổi họp, các bộ, ngành đã báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật về giám định tư pháp.
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp: Trong thời gian thực hiện Luật Giám định tư pháp 2012, bên cạnh những kết quả đạt được đã phát sinh những tồn tại bất cập. Cụ thể, mặc dù đến nay đã có 40 văn bản các loại hướng dẫn thi hành nhưng vẫn chưa đầy đủ, chất lượng một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn hạn chế. Một số văn bản chưa được các bộ ban hành, như: Quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng, thông tin và truyền thông…; Hướng dẫn của các cơ quan tố tụng trung ương về căn cứ, cách thức đánh giá kết luận giám định trong các vụ án…
Hiện tổ chức pháp y có cả ở ngành y tế, công an, quân đội. Tuy nhiên, một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, trưng cầu giám định.
TANDTC cũng cho rằng, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan và Tòa án có lúc, có nơi chưa thường xuyên, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Do pháp luật chưa có quy định về thời hạn tối đa để giám định, dẫn đến một số vụ án thời gian giám định kéo dài, làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Ví dụ, trong các vụ án mà giá trị tài sản là căn cứ xác định thời hạn xét xử, có tính quyết định đến việc xác định khung hình phạt, như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhóm tội có yếu tố chiếm đoạt…nếu việc định giá kéo dài dễ dẫn đến việc phải gia hạn hoặc tạm đình chỉ vụ án chờ kết luận định giá tài sản từ Hội đồng định giá. Có trường hợp Tòa án chờ quá lâu mà không có kết luận của cơ quan giám định nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án hoặc phải làm công văn nhắc nhở cơ quan giám định cung cấp kết quả nhiều lần.
Chất lượng giám định một số trường hợp chưa đảm bảo, còn chung chung; một số trường hợp Giám định viên né tránh việc tham gia tố tụng để giải thích, trình bày kết quả giám định tại phiên tòa ở một số vụ án lớn, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, còn hạn chế, bất cập khác trong quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp quy định: “Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác”, nhưng căn cứ “thế nào là căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác” thì lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Thực tế cũng đã có những vụ kết quả giám định lần đầu và lần thứ 2 do hai cơ quan khác nhau thực hiện có mâu thuẫn; Đến nay, một số văn bản hướng dẫn Luật Giám định tư pháp của một số bộ, ngành chưa ban hành kịp thời hoặc chưa cụ thể, cũng gây khó khăn cho cơ quan tố tụng…
Báo cáo về một số nội dung cần tập trung trao đổi với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp, Nhóm nghiên cứu của UBTP cho biết: Từ khi Luật Giám định tư pháp được ban hành, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, một số băn bản được ban hành chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu được đặt ra, chưa rõ ràng và khó thực hiện. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung như Thông tư số 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về quy trình giám định pháp y, Thông tư 20/2014/TT-BYT về quy chuẩn quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Quang cảnh buổi họp
Cũng theo báo cáo, lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự hiện nay đang có nhiều bất cập. Đó là: Số các vụ việc phải tiếp nhận giám định kỹ thuật hình sự tăng theo từng năm, trong khi đội ngũ giám định viên không được bổ sung kịp thời nên xảy ra tình trạng có vụ việc tồn đọng kéo dài, hoặc quá tải; Giám định kỹ thuật số và điện tử chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ; giám định xác định hàm lượng ma túy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Cần sự phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành về giám định chưa tốt, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động giám định tư pháp. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý thống nhất giám định tư pháp nhưng chưa tích cực đôn đốc, báo cáo Chính phủ kịp thời những tồn tại, hạn chế cũng như đề xuất hướng giải quyết kịp thời…
Phát biểu ý kiến tại buổi họp, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, qua giám sát hoạt động giám định tư pháp cho thấy chưa có sự phối hợp thật tốt giữa các bộ, ngành liên quan. ĐB đề nghị làm rõ chức năng nhiệm vụ và sự phối hợp của Trung tâm giám định của Bộ Y tế và của Bộ Công an; làm rõ quy trình giám định pháp y tâm thần và giám định pháp y thông thường có gì khác nhau hay không?
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá cụ thể về số lượng giám định viên hiện nay có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không? Vì có những nơi, trung bình giám định 100 vụ/tháng mà chỉ có rất ít giám định viên. Hiện nay, trong tố tụng hình sự có quy định về giám định, định giá tài sản, nhưng trong Luật Giám định tư pháp lại không có quy định này. Vì vậy, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Việc giám định các khu nhà chung cư, công trình xây dựng chi phí hiện rất lớn, hàng tỷ đồng, CQĐT không có kinh phí, vậy phương án nào khả thi cũng là vấn đề cần tính đến.
ĐB Trần Thị Phương Hoa nêu vấn đề: Trong giám định tâm thần xảy ra việc giả hồ sơ tại các Bệnh viện tâm thần (không phải giả từ Trung tâm giám định pháp y tâm thần). Hiện nay, theo báo cáo, Hà Nội có hơn 10 vụ việc như vậy. Trước tình trạng hồ sơ tâm thần giả nhiều như vậy, bà Hoa đề nghị Bộ Công an có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Cũng theo bà Hoa, giám định pháp y tình dục cũng là vấn đề cần bàn đến. Có ý kiến cho rằng, công tác giám định pháp y lĩnh vực này hiện nay đang có nhiều bất cập. Thường khi xảy ra sự việc, nạn nhân được đưa đến bệnh viện khám, điều trị, sau khi khỏi mới trưng cầu giám định. Vì vậy, nên có quy định, khi có sự việc xảy ra, thay vì đưa nạn nhân đến cơ sở khám bệnh thì đưa đến Trung tâm giám định pháp y, trừ trường hợp cấp cứu, như vậy mới lấy hết được toàn bộ dấu vết cần thiết cho vụ án.
Đề cập đến khía cạnh khác, ĐB Trần Hồng Hà cho rằng, quan trọng nhất công tác giám định cần nhất ở khâu con người và quy định pháp luật. Chẳng hạn, việc giám định thương tích chỉ cần chênh nhau 1% là phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi thế, tất cả trông chờ vào trình độ chuyên môn và đạo đức của Giám định viên, sự chặt chẽ các quy định pháp luật. Vì vậy, nên sửa Luật Giám định tư pháp cần nhìn nhận trên phương diện này.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, các ý kiến mà các đại biểu và các bộ, ngành, Đoàn giám sát nêu ra cần có tổng hợp, đánh giá để sửa Luật Giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.