Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) ngày càng đa dạng. Tuy nhiên chỉ có một số ít sản phẩm được các tổ chức y tế quốc tế như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Đánh giá rủi ro Liên bang Đức (BfR), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Bộ Y tế Nhật Bản… công nhận về khả năng giảm tác hại nhằm giúp cho chính phủ các nước có sự lựa chọn đúng đắn giúp giảm gánh nặng thuốc lá điếu trên toàn cầu.
Quản lý TLTHM trên cơ sở thẩm định khoa học
Tại Việt Nam, trong công bố mới nhất ngày 7/5 vừa qua, TS. Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, cơ quan chỉ mới nghiên cứu 3 tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá làm nóng (một trong nhiều loại TLTHM).
Các sản phẩm thay thế thuốc lá không được coi là an toàn tuyệt đối, nhưng so với thuốc lá điếu. Các sản phẩm này có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn đáng kể.
Theo đó, FDA Hoa Kỳ đã đánh giá hàng loạt các sản phẩm TLTHM như thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) bằng các kiểm nghiệm khoa học để xác định hàm lượng chất gây hại lên cơ thể thấp hơn so với thuốc lá điếu. Tuy nhiên, chỉ có một số ít sản phẩm TLLN đã đạt được chỉ định Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ (MRTP), cụ thể là giảm phơi nhiễm với các chất có hại.
Nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, đã tham gia vào quá trình đánh giá TLLN. Nghiên cứu của Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật Bản cho thấy hàm lượng nitrosamine và carbon monoxide (các tác nhân gây bệnh và ung thư) trong TLLN chỉ bằng 1/5 và 1/100 so với thuốc lá điếu, mặc dù hàm lượng chất gây nghiện nicotine là gần giống nhau.
Một nghiên cứu khác của Bộ Y tế và Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản cũng cho thấy nguy cơ ung thư trọn đời của TLLN là dưới mức 1/100.000, thấp hơn 3 bậc so với thuốc lá điếu thông thường.
Dù vẫn còn có góc nhìn cho rằng cần đầu tư thêm nhân lực, thiết bị và thời gian nghiên cứu để làm rõ khả năng giảm tác hại của TLTHM, nhưng Việt Nam hiện không thiếu bằng chứng khoa học để tham khảo về hàm lượng các chất gây hại của các sản phẩm này so với thuốc lá điếu.
Cụ thể hơn trong công bố mới nhất ngày 7/5 vừa qua, Viện trưởng VSQI Ngô Thị Ngọc Hà cho biết: "Hiện nay, Bộ Công thương đang hoàn thiện Đề án về quản lý sản phẩm TLĐT và TLLN để trình Chính phủ xem xét. Để phục vụ Đề án, năm 2020, Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 126/SC 3 Thuốc lá thế hệ mới đã tiến hành xây dựng ba (03) tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về sản phẩm TLLN."
Kết quả cho thấy vi sinh vật, nấm mốc bị ức chế đối với sản phẩm TLLN. Ngoài ra, TLLN không có sự cháy nên hàm lượng cacbon monoxit và oxit nitơ thấp hơn so với khói thải ra từ thuốc lá điếu. Điểm quan trọng, hàm lượng nhựa thuốc lá (hắc ín) có trong TLLN thấp hơn rất nhiều lần, đến mức hầu như không đáng kể so với thuốc lá điếu. Các nghiên cứu khoa học trên toàn cầu đã công nhận, nhựa thuốc lá có trong khói của thuốc lá điếu mới chính là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc, bao gồm phổi, COPD, tim mạch và thậm chí ung thư. Còn nicotine chỉ là chất gây nghiện.
Cũng theo bà Hà, việc xây dựng các tiêu chuẩn này dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài như: ISO (Tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế), CORESTA (Tiêu chuẩn của Trung tâm hợp tác nghiên cứu khoa học về thuốc lá), PAS (Tiêu chuẩn Anh), GOSТ (Tiêu chuẩn Liên bang Nga), SТ RK (Tiêu chuẩn Kazakhstan)...
Nhiều sở cứ khoa học về TLTHM để tham chiếu
Hiện các chuyên gia nhận định rằng, những quốc gia như Việt Nam với hạn chế về hạ tầng, kỹ thuật, tài chính có thể tận dụng những kết quả nghiên cứu thực tiễn của các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ cao như Mỹ, Anh, Đức, Nhật… để sớm đưa các sản phẩm TLTHM vào quản lý thay vì phải tốn kém nhân lực, vật lực đầu tư vào việc nghiên cứu lại từ đầu.
Tại Nhật Bản, kể từ khi hợp pháp hóa TLLN vào năm 2015, doanh số thuốc lá điếu giảm gần 34% chỉ trong vòng 4 năm và lượng thuốc lá tiêu thụ đã giảm 44% trong 5 năm.
Trước khi chính thức cung cấp TLLN cho người hút thuốc lá hợp pháp, các quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia, Philippines… cũng thẩm định sản phẩm này dựa trên bằng chứng khoa học từ các cơ quan y tế quốc tế và chính phủ các quốc gia tiên tiến. Các quốc gia trong khu vực ASEAN này kỳ vọng cũng sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực về sức khỏe cho người hút thuốc và cộng đồng tương tự như Nhật, Anh, Thụy Điển từ việc ứng dụng các sản phẩm TLTHM giảm tác hại, cũng như góp phần đạt mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá điếu do chính phủ đặt ra.
Hiện Việt Nam cũng đang trong giai đoạn tiến đến việc định danh các sản phẩm TLTHM để áp dụng khung quản lý phù hợp. Theo đó, hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định rõ về “dạng khác” của thuốc lá trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012. Đánh giá về điều này, phần lớn các chuyên gia đều đồng ý, do TLLN có cùng bản chất sử dụng nguyên liệu thuốc lá tương tự thuốc lá điếu, nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia nên quản lý TLLN theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành.
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy TLLN nói riêng hay TLTHM nói chung dù không an toàn tuyệt đối nhưng vẫn là sản phẩm thay thế tốt hơn so với thuốc lá điếu. Do vậy, để các sản phẩm này được cung cấp hợp pháp đến người hút thuốc, với các lợi thế sẵn có từ các nước đi trước, Việt Nam có thể tận dụng các cơ sở khoa học đã được công bố, cùng với Luật PCTHTL hiện hành để sớm ban hành cơ chế quản lý TLTHM.
Đặc biệt, việc kiểm soát được TLTHM sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc gia về năng lực kiểm soát tất cả các sản phẩm thuốc lá giữa các nước trong khu vực khi tham dự Hội nghị Các bên về kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) do WHO tổ chức vào tháng 11 năm nay.