Cần quy định cụ thể để tránh sự lạm quyền của Cảnh sát cơ động

Mai Thoa| 15/02/2022 11:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 15/2, phiên họp thứ 8, UBTVQH đã họp và cho ý kiến về dự thảo luật Cảnh sát cơ động (Luật CSCĐ).

Dự án Luật CSCĐ đã được các Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đã được Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

202202151118526247_cqh_3552.jpg
Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến của cơ quan thẩm tra

Quá trình thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh có đưa ra một số nội dung sau:

Về một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” và làm rõ hơn tính vũ trang của lực lượng CSCĐ.

Thường trực UBQPAN cho biết: Lực lượng CSCĐ thuộc Công an nhân dân; dự thảo Luật Chính phủ trình quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” cũng thống nhất với khoản 1 Điều 3 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, khoản 1 Điều 13 của Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên nội dung này.

Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9 dự thảo Luật Chính phủ trình). Một số ý kiến đề nghị cân nhắc điểm đ khoản 2 vì không phải là nhiệm vụ thường xuyên, không mang tính đặc thù của CSCĐ.

Thường trực UBQPAN cho rằng: Quy định nhiệm vụ “Tuần tra, kiểm soát” là kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và Thông tư số 58/2015/TT-BCA về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ. Thời gian qua, công tác này đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ lại nhiệm vụ này và chỉnh lý như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cho bổ sung Điều 12 về hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự của CSCĐ trên cơ sở luật hóa một số quy định tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA.

Liên quan đến quy định “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương” tại khoản 3, các ý kiến cho rằng cần cân nhắc vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố; đồng thời đề nghị rà soát lại Điều này để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác có liên quan, bảo đảm dễ thực hiện.

Tuy nhiên, phía Thường trực UBQPAN cho biết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để chặt chẽ, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý khoản 3 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật. Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ… thì CSCĐ chỉ tham gia phối hợp hoặc hỗ trợ các lực lượng khác khi có yêu cầu.

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.

Thường trực UBQPAN nhận thấy, quy định về quyền hạn của CSCĐ được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cần thiết nhằm bảo đảm cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được giao. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã rà soát, tiếp thu, chỉnh lý để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Cần kiểm soát để tránh lạm quyền

Qua thảo luận các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã bám sát Nghị quyết 40 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về chiến lược an ninh quốc gia xây dựng lực lượng an ninh nhân dân, trong đó có ưu tiên xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động tiến liên hiện đại.

202202150956505000_cqh_3557.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc phát biểu tại phiên họp.

Các đại biểu đề cập sâu tới yêu cầu lãnh đạo tập trung và chỉ huy thống nhất, bước đầu rà soát tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo luật với các văn bản pháp luật khác; đồng thời tập trung phân tích, làm rõ hơn lý do không quy định về giải thích từ ngữ; cân nhắc quy định rõ biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang và một số khái niệm khác mà pháp luật khác có liên quan chưa quy định…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định bảo đảm tính khái quát. Về 12 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn 3 nhóm vấn đề để quy định cụ thể, còn các quy định khác đã được quy định rõ trong các luật khác thì không cần quy định lại.

Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, các đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng. Do đó đề nghị rà soát, làm rõ thêm nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động trong thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định, tránh chồng chéo với các lực lượng khác; cần thể hiện lại Điều 8, Điều 10, Điều 12 cho gọn và rõ nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Còn về quyền hạn của cảnh sát cơ động, tại Kỳ họp thứ 2, các đại biểu cũng lưu ý, do việc thực hiện quyền hạn của cảnh sát cơ động có liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ nên cần tiếp tục được rà soát, bảo đảm tính cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn; bảo đảm tính khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền như vấn đề huy động, vào trụ sở của cơ quan, nơi ở của cá nhân, hạn chế-kiểm soát các phương tiện bay trong vùng cấm bay…

Về việc phối hợp giữa cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức hữu quan, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác trong thực hiện các nhiệm vụ.

Kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh: UBTVQH hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật và các cơ quan hữu quan, chủ động, tích cực, làm việc có trách nhiệm, cầu thị, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo luật và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu.

Sau phiên họp này, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với Ban Soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý; gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng văn bản trước khi tổ chức hội thảo, tọa đàm trước khi gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc có xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hay không; tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định cụ thể để tránh sự lạm quyền của Cảnh sát cơ động