Chính trị

Cân nhắc khi xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu

Nguyên Bình 24/05/2023 14:36

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - đoàn ĐBQH Hà Nội đưa ra ý kiến trên tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), diễn ra sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp

Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 Điều. Trong đó, bỏ 5 Điều và thêm 6 Điều, giữ nguyên 21 Điều, sửa đổi nội dung 48 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội trước đó.

240520230842-z4371407198071_6dee9335abf37942f9a54de26ad9ecdf-1-.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Mục tiêu của việc sửa luật này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định.

Về các nội dung cụ thể của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết UBTVQH đề nghị, không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, nhiều ý kiến tham gia chi tiết, cụ thể tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.

240520230843-z4371411102225_fdb915011f2116afcc9b2868ebab3566.jpg

Quá trình thẩm tra, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.

Do đó UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo Luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó có quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế; Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu đã được áp dụng theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; Bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg.

Nhiều sai phạm do liên quan giá gói thầu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa -đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu và đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước.

Thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua, muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng, do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.

Trước ý kiến của một số đại biểu đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật quy định: “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung”, đại biểu Nguyễn Anh Trí- đoàn ĐBQH Hà Nội băn khoăn cho rằng, nếu bỏ quy định này thì sẽ không lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân, nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa…"

Đại biểu cũng chia sẻ với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thấm thía điều này, khi thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu thuốc quá ít nên nhà cung cấp không bán. Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu hết cho chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị giữ quy định này trong luật.

240520231112-z4371901373782_5d7ab8012a3fcc52e11d9398e351c34e.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - đoàn ĐBQH Hà Nội phát biểu thảo luận tại hội trường.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - đoàn ĐBQH Hà Nội đề nghị cân nhắc khi xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu.

Theo đại biểu, nhiều sai phạm trong thời gian qua đều có liên quan đến giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay, việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính, đang tồn tại nhiều bất cập.

Trong dự thảo Luật không có hướng dẫn về xác định giá gói thầu, do vậy cần xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là dự án Luật khó cả ở quan điểm chính sách và kỹ thuật lập pháp. Bởi vì, Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu và nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Về trường hợp chỉ định thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ cùng cơ quan thẩm tra rà soát lại để bảo đảm quy định bao phủ các trường hợp, chủ động được những trường hợp phát sinh.

240520231143-z4371923036705_6fbc08598a2f520010559b8cf7b742b9.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã có một chương riêng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù, chuyên môn của ngành; bổ sung về quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu... Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện đầy đủ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc khi xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu