Tại Hội thảo đánh giá tác động kinh tế - xã hội liên quan đến dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/11, các đại biểu đã tập trung thảo luận về khả năng đáp ứng của Dự thảo Luật so với khuyến cao của WHO.
Luật còn nhiều "khoảng trống"
Vừa qua, dự thảo này đã được trình tại Quốc hội kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, cho nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Vì vậy, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Ðảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với Phòng, chống tác hại của rượu, bia nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp yêu cầu Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Nhiều chuyên gia kinh tế -xã hội tham gia hội thảo
Theo TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), dự luật Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia thực sự là sự “giằng xé” giữa lợi ích về sức khỏe người dân, hệ lụy xã hội với lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp rượu bia. Vì thế đã có những ý kiến trái chiều để bảo vệ những lợi ích khác nhau. Đa số ý kiến ủng hộ dự luật vì cho rằng đáp ứng các quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sẽ góp phần giảm tác động của rượu bia với sức khỏe người dân.
Ông Quang cũng nhấn mạnh, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia với những quy định nhằm định hướng cách thức xử sự cho người dân trong việc tiêu dùng rượu, bia hợp lý không nhằm mục đích cấm việc sử dụng rượu, bia.
“Văn hóa sử dụng rượu, bia phải được hiểu là là sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Như vậy, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ góp phần định hướng cho việc sử dụng rượu, bia văn minh hơn”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Phân tích các nội dung của dự luật nhìn từ khuyến cáo của WHO và pháp luật của một số quốc gia tham gia CPTPP và WTO, TS Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, còn nhiều khoảng trống mà dự Luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là 3 biện pháp hiệu quả nhất mà WHO khuyến cáo gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát marketing rượu, bia; chính sách thuế và giá.
“Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của luật. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì có thể quy định lộ trình để thực hiện toàn diện các biện pháp khuyến cáo của WHO đến 2025”, TS Tiên nói.
Xu hướng sử dụng rượu bia trẻ hoá
Phân tích về lứa tuổi sử dụng rượu bia hiện nay, PGS.TS Phạm Việt Cường – Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia đang gia tăng một cách đáng quan ngại.
Sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ngày càng có xu hướng trẻ hoá độ tuổi, đó là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ luỵ về sức khoẻ, xã hội đối với giới trẻ.
Theo điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam từ 14-25 tuổi gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ vị thành niên/thanh niên có sử dụng rượu bia tăng gần 10% sau 5 năm (51% năm 2003 lên 60% năm 2008). Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là gần 80% đối với nam và 36% đối với nữ. Đáng lưu ý, tỷ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (từ 14-17 tuổi) ở mức cao, chiếm tỷ lệ 47%.
Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.
Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn. Do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. Việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên/thanh niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu bia. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao.
Về nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng rượu bia trong giới trẻ tăng cao, ông Cường cho rằng, hiện nay việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam chưa được kiểm soát nên việc mua bán rất dễ dàng. Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể mua rượu bia và mua ở bất kỳ đâu, thậm chí có thể mua được cả ở vỉa hè. Thứ hai là giá rượu bia còn quá rẻ, chỉ hơn chục ngàn đồng có thể mua được chai rượu. Trong khi đó, không ít người dân còn có cái nhìn sai lệch về rượu bia, thậm chí có bố mẹ tự hào khi thấy con còn bé nhưng đã uống được rượu bia. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin, quảng cáo, tài trợ của rượu bia chưa được kiểm soát.
Theo nghiên cứu Nghiên cứu của học viện cảnh sát tại 11 tỉnh năm 2015 thì phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70% và nguyên nhân của việc số đối tượng vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn chủ yếu nằm trong độ tuổi 16 - 30 do đây là lứa tuổi còn trẻ, bồng bột, cá tính năng động, thích thể hiện bản thân cũng như chưa có được những suy nghĩ chín chắn về lời nói, hành động của mình; lứa tuổi này có nhiều các mối quan hệ trong xã hội, bị ảnh hưởng lớn bởi tâm lý đám đông, dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đây là vấn đề nhức nhối nếu chúng ta không hành động và tiếp tục để hiện trạng pháp luật như hiện nay thì tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng và nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội tiếp tục tăng cao, trong đó đau lòng nhất là đối tượng gây ra các phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia lại là lứa tuổi thanh niên - tương lai của đất nước.
Ngày 16/11, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được thảo luận tại tổ. Ngày 20/11, các nội dung trong dự thảo sẽ được thảo luận tại hội trường. |