Cần lời giải thức thời cho thuốc lá thế hệ mới

Minh Khang| 27/09/2022 18:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia cho rằng, trong chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam cần sớm cân nhắc trụ cột thứ ba trong chiến lược toàn diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghĩa là bên cạnh giảm nguồn cung, giảm nhu cầu thì cần giảm tác hại thuốc lá. Đây là hành động cần thiết để cứu lấy sức khoẻ của 17 triệu người đang hút thuốc, thay vì bỏ mặc họ.

Về lý thuyết, các chuyên gia y tế khẳng định cai bỏ hoàn toàn thuốc lá (dù ở dạng nào) là giải pháp lý tưởng nhất để phòng tránh các bệnh về hô hấp, tim mạch và các bệnh mạn tính không lây do khói thuốc lá gây ra. Thế nhưng, trên thực tiễn, tỷ lệ cai thuốc lá thành công đến hiện nay cũng chỉ đạt chưa đến 10%, bất chấp mọi nỗ lực từ các cơ quan quản lý hay các tổ chức chống thuốc lá.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, nếu thừa nhận thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) như cách chúng ta chấp nhận methadone (giải pháp thay thế heroin) và quản lý tốt, thì đó sẽ là cơ hội cứu vãn sức khỏe cho cộng đồng, cũng là giải pháp nhân văn cho người hút thuốc mắc bệnh nhưng chưa thể cai. Vấn đề mấu chốt là, cần có bài toán quản lý thức thời, chặt chẽ nhằm giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích. Điều này phụ thuộc vào trình độ quản lý của các cơ quan chức trách, cũng như lộ trình luật hóa để đưa các sản phẩm này vào quản lý toàn diện.

Gần 1/2 quốc gia trên thế giới ủng hộ giải pháp giảm tác hại thuốc lá…

Theo WHO, mỗi năm thế giới có hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Điều đáng nói, chỉ có 8-10% người hút thuốc cai bỏ thành công. Báo cáo của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO năm 2019 cũng cho thấy, chỉ có 32 quốc gia đạt được 30% mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá trước năm 2025.

Trước thực trạng này, chính phủ và cơ quan y tế nhiều nước đã kêu gọi, cần hiểu đúng bản chất gây hại của thuốc lá, là đến từ khói và nhựa thuốc, chứ không phải nicotine. Theo đó các sản phẩm không khói giảm tác hại đã trải qua quy trình kiểm duyệt gắt gao, được FDA Hoa Kỳ và nhiều tổ chức y tế của các quốc gia như PHE (Anh); BfR (Đức); RIVM (Hà Lan); NIPH/ NCC/ MHLW (Nhật); Italia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ukraine… triển khai nhiều nghiên cứu độc lập để kiểm chứng trước khi thừa nhận là một trong các giải pháp giúp hạn chế tử vong do khói thuốc lá điếu (TLĐ) gây ra. Theo đó, các nghiên cứu này đều kết luận: hàm lượng các thành phần độc hại trong khí hơi của các sản phẩm TLTHM với công nghệ không đốt cháy thấp hơn khoảng 90-95% so với hàm lượng các chất tương tự từ khói của TLĐ đốt cháy.

1.jpeg

Để phòng chống tác hại thuốc lá, cần nhiều hơn các biện pháp tuyên truyền và cấm đoán

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) là một trong những tổ chức uy tín nhất trên thế giới tiên phong kiểm duyệt và cấp phép cho một số ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng giảm tác hại bao gồm một sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) hệ đóng đi kèm tinh dầu hương thuốc lá, và một vài sản phẩm cung cấp nicotine sử dụng qua đường uống.

Tại Anh, năm 2022, có hơn 4,3 triệu người chuyển đổi sang các sản phẩm không khói, trong đó, hơn một nửa (2,4 triệu người) đã cai hoàn toàn TLĐ. Tổ chức chống thuốc lá ASH của Anh cũng rất ủng hộ việc chuyển đổi của người hút thuốc sang TLTHM, đồng thời cho rằng số người sử dụng TLĐT mà chưa từng hút thuốc trước đó cũng không đáng lo ngại, vì đây chỉ là thiểu số và chủ yếu là dùng thử do hiếu kỳ.

… và nhiều hệ lụy ở các quốc chưa luật hóa TLTHM

Trên thực tiễn, mục tiêu “zero thuốc lá” là gần như bất khả thi, đồng thời giảm tác hại thuốc lá cũng là nhu cầu có thật. Các giải pháp giảm tác hại, cải cách sản phẩm để tốt hơn cho sức khoẻ người dùng cũng là xu hướng chung của toàn cầu, của các ngành công nghiệp.

Trên thế giới, nhiều quốc gia (trên 80 nước) ủng hộ giải pháp giảm tác hại thuốc lá điển hình có Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Na Uy, Hà Lan, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines,… Mẫu số chung của các quốc gia này là sớm đưa TLTHM vào quản lý dưới luật; xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm; kết hợp tuyên truyền để sản phẩm chỉ được tiếp cận đúng đối tượng người trưởng thành có nhu cầu chuyển đổi; phối hợp với các công ty sản xuất thuốc lá để có biện pháp kiểm soát phù hợp.

Thế nhưng, tại những quốc gia chưa luật hóa và thương mại hóa TLTHM, các sản phẩm này chỉ được mua bán ở thị trường chợ đen.

Tại Việt Nam, khảo sát của một tờ báo điện tử với trên 2.000 người trưởng thành cho thấy tới 70% cho rằng, các giải pháp giảm tác hại khói thuốc lá là quan trọng. Tuy nhiên, do nằm ngoài vòng pháp luật quá lâu, TLĐT lậu ngày càng trở thành mối đe dọa của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Liên tiếp trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc ma túy và các chất cấm khác ngụy trang dưới vỏ bọc của TLĐT lậu. Từ một sản phẩm giảm tác hại, do chưa được quản lý chặt chẽ, TLĐT đã trở thành mối nguy đối với cộng đồng và gánh nặng đối với các cơ quan chức năng.

2(1).jpg

Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới sử dụng TLTHM như một biện pháp giảm tác hại thuốc lá

Tại tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam do báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, các chuyên gia y tế đầu ngành đều cho rằng, một khi TLTHM còn chưa được hợp pháp hóa, giải pháp giảm tác hại thuốc lá còn bị xem nhẹ, thì người hút thuốc, nhất là các bệnh nhân sẽ bị bỏ lỡ một cơ hội tốt để cải thiện sức khỏe.

Theo đó, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Chúng ta cần phải quản lý TLTHM và tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới. Vấn đề quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lời giải thức thời cho thuốc lá thế hệ mới