Luật sư cho rằng, hành vi chặt chân 5 con bò gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nông dân và có dấu hiệu của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017, bởi vậy cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để xử lý nghiêm theo quy định.
Khó tìm manh mối?
Vụ việc 5 con bò của gia đình anh Nguyễn Văn Quyền (42 tuổi) trú xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Sơn, tỉnh Nghệ An bị kẻ gian chặt đứt chân gây xôn xao dư luận địa phương.
Theo trình báo của gia đình anh Quyền, đầu tháng 10/2021, gia đình vay tiền ngân hàng mua 11 con bò về nuôi vỗ béo tại khu chuồng trại cách nhà chừng 300m để bán.
Vào đêm 12/11, anh Quyền ra cho bò ăn rồi đưa 5 con về nhà, để 6 con lại chuồng trại. Đến sáng 13/11, khi ra khu trang trại của gia đình để cho bò ăn thì tá hỏa phát hiện 5 con bò bị chặt chân, máu khắp nơi.
Theo anh Quyền, 5 con bò bị chặt chân được anh mua với giá 250 triệu đồng. Sau khi sự việc xảy ra, anh gia đình phải bán 5 con bò với giá 100 triệu đồng.
Liên quan đến sự việc trên, trả lời báo chí, Trung tá Lê Đức Dũng, Trưởng Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, vụ việc khó tìm ra manh mối do vị trí nhốt bò xa khu dân cư, không có người chăn dắt, trông giữ, hành vi phạm tội lại xảy ra trong đêm, không có ai biết. Hiện cơ quan công an đang điều tra xác minh, ở mức cao nhất để làm sáng tỏ vụ việc.
Có dấu hiệu tội hủy hoại tài sản
Trao đổi với phóng viên về việc 5 con bò bị kẻ gian chặt đứt chân trong đêm, luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi kẻ chặt chân 5 con bò rất đáng bị lên án. Người thực hiện hành vi chặt đứt chân 5 con bò có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017.
Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Khương cho rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017, đây là tội danh không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Bởi vậy, cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng gây ra vụ việc.
Theo gia đình trình báo, 5 con bò của anh Quyền bị chặt đứt chân, giá khi mua về 5 con bò là 250 triệu đồng. Đây là giống bò nuôi lấy thịt, việc bị chặt đứt chân chỉ làm giảm giá trị một phần, không làm mất hoàn toàn giá trị con bò. Hiện anh Quyền đã bán 5 con bò trên với giá 100 triệu đồng. Do đó, cơ quan điều tra cần giám định tỷ lệ thiệt hại đối với tài sản bị thiệt hại để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm.
Luật sư Khương Tân Phương cho biết thêm: Tội hủy hoại tài sản, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” là nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản như các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và một số tội khác về bảo vệ quyền sở hữu tài sản tại chương các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Theo quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung sửa đổi 2017, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hành chính cao nhất lên tới 100 triệu đồng; trường hợp đủ yếu tố xác định tội hình sự có thể phải đối diện với mức xử phạt cao nhất lên tới là 7 năm tù giam.
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi chặt chân bò có thể bị xử phạt theo khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013 do vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Số tiền bị phạt ở mức 2-5 triệu đồng và bồi thường toàn bộ thiệt hại.