Cần làm rõ thẩm quyền của Cảnh sát cơ động trong huy động người, thiết bị dân sự

Nguyên Bình| 26/05/2022 13:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

1.pho-chu-tich-quoc-hoi-tran-quang-phuong-1-.jpg

Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, với tổng số 299 ý kiến phát biểu. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở tập hợp đầy đủ, tập trung nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện cụ thể, rõ ràng hơn.

Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là khái niệm biện pháp vũ trang, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, việc huy động người, thiết bị dân sự… và các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Cân nhắc quy định CSCĐ được trang bị vũ khí

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị đề nghị rà soát nội dung và kỹ thuật lập pháp tại Điều 13 của dự thảo Luật. Nội dung điều luật này quy định về việc Cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Quy định như vậy chung chung, thiếu cụ thể và chặt chẽ.

9-hoang-duc-thang-quang-tri.jpg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, cần phải quy định rõ việc Cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Đại biểu lấy dẫn chứng, nếu họ chỉ vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thăm hỏi, chúc mừng bình thường mà cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố là chưa phù hợp.

Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Nếu trang bị thì chỉ ở mức độ nào phù hợp để khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đảm khả thi khi thi hành.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Quảng Bình nhận định: Dự thảo Luật đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân, thống nhất với các quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động, tạo cơ sở vững chắc để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để đảm bảo thể chế quyền này, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 5 về vấn đề xây dựng Cảnh sát cơ động theo hướng: “Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động” để đảm bảo thống nhất với Khoản 1 Điều 9 về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 11 quy định hoạt động của Cảnh sát cơ động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: Canh gác, tuần tra; Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực mục tiêu bảo vệ; Phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu bảo vệ, các chuyến hàng đặc biệt. Đại biểu cho rằng cần rà soát các quy định này, vì chưa hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

2.cqh_0206.jpg

Góp ý vào khoản 3 Điều 10 của dự thảo luật quy định: "ngăn chặn vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ", đại biểu Lương Văn Hùng – Quảng Ngãi Đồng đề nghị quy định cụ thể khoản này hoặc giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng phòng không thuộc Bộ Quốc phòng. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định xác định cụ thể các chủ thể nào thuộc lực lượng cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân trong từng trường hợp tại Điều 13 dự thảo Luật để áp dụng thống nhất, cụ thể cho từng đối tượng và đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Làm rõ thẩm quyền của CSCĐ

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Hà Nội cho rằng, Điều 9 về nhiệm vụ và Điều 10 của dự thảo luật đã quy định quyền hạn của Cảnh sát cơ động, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động vẫn còn quy định rải rác trong các Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các điều, khoản trong điều luật, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sắp xếp khoa học, tích hợp các nhiệm vụ cụ thể và các điều luật đã quy định về nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát cơ động.

6-nguyen-huu-chinh-ha-noi.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính- Hà Nội.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. Vì đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. Nên cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức - Cao Bằng đề nghị cân nhắc trường hợp huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự tại Điều 16 của dự thảo luật. Việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết.

Tuy nhiên, phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên; tránh việc lạm dụng quyền trên một cách rộng rãi cũng như tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có.

Phạm vi, trường hợp được huy động người và thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại điểm d, khoản 3, Điều 9 là chưa hợp lý. Vì hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách, nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu cho rằng thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, như dự thảo Luật là quá rộng, vì có những người phục vụ lâu dài, có những người không phục vụ lâu dài trong lực lượng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có.

Bởi vì, nếu có trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp. Do vậy, nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ thẩm quyền của Cảnh sát cơ động trong huy động người, thiết bị dân sự