Cần làm rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của tổ chức Thừa phát lại

Quỳnh Hoa| 11/09/2015 21:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 11/9, Phiên họp thứ 21 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã bế mạc. Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 của Quốc hội.

Cần làm rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của tổ chức Thừa phát lại

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: BL)

Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến nay tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 văn phòng Thừa phát lại được thành lập, trong đó riêng TP.Hồ Chí Minh có 11 văn phòng.

Chính phủ kiến nghị cho phép trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết cho thực hiện chế định Thừa phát lại với nội dung chính: Giao Chính phủ tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại theo quy định hiện hành cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại; đồng thời giao Chính phủ phối hợp với TANDTC, VKSNDTC xây dựng Luật Thừa phát lại, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, gắn với tổng kết thực hiện chế định Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 36 được tiếp tục hoạt động. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tổ chức thí điểm, căn cứ vào điều kiện, nhu cầu tại địa phương mình, xây dựng đề án thực hiện chế định Thừa phát lại báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC; cho phép xây dựng Luật Thừa phát lại.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đã khẳng định chủ trương, định hướng và nội dung thí điểm được kiểm nghiệm trong thực tế đã thành công bước đầu. Ngoài những nội dung như báo cáo của Chính phủ đã nêu, một số ý kiến cho rằng, qua quá trình thực hiện thí điểm còn những vấn đề cần được đánh giá, phân tích sâu sắc hơn cả về khách quan và chủ quan. Cụ thể là, việc Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ cũng như phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng thể chế còn chậm, thiếu đồng bộ, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thời gian thí điểm thực tế ngắn hơn so với quy định, làm hạn chế đáng kể tiến độ thành lập và chất lượng hoạt động của các tổ chức Thừa phát lại. Quá trình hành nghề, một số văn phòng Thừa phát lại còn những sai sót, ảnh hưởng tới niềm tin và sự lựa chọn sử dụng dịch vụ của người dân cũng như các cơ quan nhà nước. Đội ngũ hành nghề Thừa phát lại tuy trưởng thành nhanh về số lượng, nhưng còn nhiều người hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, thí điểm chế định Thừa phát lại là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá và dự báo các khó khăn, thách thức đối với tổ chức Thừa phát lại, cũng như các điều kiện cần thiết để loại hình tổ chức này có thể chuyển sang hoạt động bình thường sau khi chấm dứt các chính sách ưu đãi của giai đoạn thí điểm. Cần làm rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của tổ chức này cũng như mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác để tránh trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời xác định rõ trách nhiệm dân sự của Thừa phát lại trong trường hợp thực hiện các hoạt động gây thiệt hại cho đương sự.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của tổ chức Thừa phát lại