Những ngày qua, dư luận dậy sóng khi nhà đầu tư Sky Mining trình báo cơ quan chức năng việc ông Lê Minh Tâm, người đứng đầu hệ thống đa cấp, đã xuất cảnh khỏi Việt Nam mang theo toàn bộ số tiền của họ gần 1.000 tỷ đồng.
Đây là một con số quá lớn, song nhìn lại mới thấy rằng khung pháp lý còn đang quá lỏng lẻo ở lĩnh vực vốn rất nóng bỏng này.
Những chiêu trò dụ dỗ
Những ngày này có hàng chục nhà đầu tư vẫn đổ về trụ sở Công ty Sky Mining để nghe ngóng thông tin về ông Lê Minh Tâm - chủ công ty đầu tư máy đào tiền ảo Sky Mining tại TP. Hồ Chí Minh và gửi đơn đến cơ quan chức năng. Tổng hợp đơn thư của các nhà đầu tư có thể thấy số tiền nhà đầu tư bị mất lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Theo đơn tố cáo của những người này, các nhà đầu tư được ban lãnh đạo Sky Mining chia sẻ về dự án và quảng bá đây là tổ chức chuyên đầu tư mua máy về đào tiền ảo, nhà đầu tư góp vốn với nhiều mức tiền khác nhau, từ 500 USD tới hàng ngàn USD. Mức lợi nhuận nhà đầu tư sẽ hưởng lên tới 300% trong thời gian 12-15 tháng, có ký hợp đồng góp vốn. Sau thời gian đầu trả lãi đúng hẹn, đến khoảng tháng 6/2018, công ty bắt đầu chậm trễ và không trả lãi suất như cam kết. Đến 21/7, ban lãnh đạo Sky Mining thông báo về sự vắng mặt của Tổng Giám đốc và đến nay, nhà đầu tư không nhận được bất kỳ khoản tiền nào, không có thông báo chính thức từ phía công ty. Tính sơ bộ có khoảng 11.000 nhà đầu tư đã rót tiền vào mạng lưới này.
Được biết, Công ty Sky Mining được thành lập cuối năm 2017 tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh với hình thức kinh doanh kêu gọi đầu tư mua máy đào tiền ảo và ăn chia theo tỷ lệ đóng góp. Ngày 28/3/2018, Sky Mining chuyển địa điểm đăng ký sang quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh và thay đổi tên thành Hợp tác xã Bầu trời Công nghệ do ông Lê Minh Tâm đại diện pháp luật, Chủ nhiệm hợp tác xã.
Hệ thống máy đào tiền ảo của Sky Mining
Sky Mining hoạt động từ tháng 3 đến 7/2018, huy động được 7.000 máy với số tiền lên tới 35 triệu USD của 5.000 người. Website của công ty này tự quảng cáo là công ty tiền ảo "lớn nhất Việt Nam", "đào coin tốt nhất Việt Nam", "lợi nhuận khủng"... dự tính tới năm 2019 sẽ phủ sóng toàn Việt Nam và mang thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng cho nhà đầu tư. Hệ thống của Sky Mining hoạt động bằng cách huy động vốn từ người đầu tư để mua máy khai thác tiền số. Mỗi nhà đầu tư bỏ ra 5.000 USD cho một máy đào, ủy quyền lại cho Sky Mining thực hiện khai thác. Sky Mining cam kết lo tất cả phần kỹ thuật, nhập máy, điều hành. Nhà đầu tư chỉ cần lôi kéo thêm nhiều người vào để ăn hoa hồng hoặc "ngồi không" chờ 3-4 tháng để nhận 300% tiền đầu tư.
Tại các buổi gặp gỡ, để tạo niềm tin với các nhà đầu tư, ông Tâm nhiều lần khẳng định, Sky Mining là mô hình kinh doanh khai thác và sản xuất truyền thống, không phải đa cấp. Vì nếu Sky Mining không may dừng hoạt động thì bản thân ông ta không thể nào mang 10.000 máy đào bỏ trốn được. Mọi người vẫn có thể lấy lại máy tiếp tục đào hoặc bán…
Bên cạnh đó, Sky Mining gây dựng lòng tin với nhà đầu tư bằng những bản hợp đồng mua máy, nhà xưởng lớn. Người đầu tư có thể đến nhận lại máy có dán bảng tên của mình bất cứ khi nào Sky Mining gặp sự cố. Tuy nhiên, ngày 23/7, toàn bộ máy đào tại xưởng ở Biên Hòa, Đồng Nai đã được chuyển đi trong đêm, xưởng ở Củ Chi đã đóng cửa. Các nhà đầu tư trong phút chốc đã mất sạch.
Siết chặt quản lý
Tình trạng các công ty hoạt động theo mô hình đa cấp lừa đảo các nhà đầu tư không phải lần đầu tiên diễn ra, mà trước đó cũng đã có những vụ lừa đảo liên quan đến đa cấp rất quy mô như vụ MB24…
Trước thực trạng này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các hoạt động huy động vốn bằng cách phát hành tiền ảo, việc quản lý khâu trung gian (các sàn giao dịch) là một phương án khả thi và cần thiết để có thể quản lý hiệu quả thị trường giao dịch tiền ảo và huy động vốn thông qua tiền ảo.
Một trong những công cụ được coi là hiệu quả trong việc quản lý hoạt động mua bán tiền ảo qua sàn giao dịch qua công nghệ định danh khách hàng (KYC - Know Your Customer) - đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm xác minh danh tính của các cá nhân khi muốn giao dịch trên một sàn tiền ảo.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải ban hành những khung pháp lý mới để quản lý hoạt động kinh doanh tiền ảo. Để xây dựng các quy định này, các cơ quan nghiên cứu lập pháp nên tiến hành nghiên cứu, rà soát khung khổ pháp luật hiện hành như pháp luật công nghệ thông tin; pháp luật giao dịch điện tử; pháp luật về dân sự hay pháp luật về chứng khoán để làm rõ “tiền ảo” đã thuộc phạm vi điều chỉnh và là đối tượng áp dụng của các quy phạm pháp luật hiện hành hay chưa. Muốn quản lý được hiện tượng “tiền ảo” và các công nghệ kèm theo một cách hiệu quả, chúng ta cần phải xác định rõ mục đích của việc quản lý. Chẳng hạn, quản lý tiền ảo nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước (thu thuế) hay quản lý để tạo môi trường phát triển khoa học, công nghệ.
Theo các chuyên gia của Bộ Tài chính, kinh nghiệm của các nước trên thế giới, như Canada cũng không coi các loại tiền ảo là hợp pháp. Tuy nhiên, họ vẫn đánh thuế đối với tiền mã hóa tương tự như đánh thuế đối với hoạt động đầu tư vốn. Số thuế thu được tính trên 50% lợi nhuận thu được nhân với thuế suất biên (thuế suất tăng thêm khi cơ sở tính thuế tăng). Phần thu nhập này sẽ được ghi nhận vào thu nhập trong năm. Đối với việc nắm giữ tiền ảo với số lượng lớn và nắm giữ một khoảng thời gian, một vài ngày để buôn bán thì được coi là hoạt động kinh doanh hàng hóa và phải nộp hồ sơ kê khai thuế ghi nhận lỗ, lãi định kỳ theo quy định và phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập nhưng không chịu thuế tiêu dùng.
Tiền ảo hay các loại tiền mã hóa là một xu hướng phát triển thực tế của thời đại công nghệ mà các hoạt động thương mại điện tử không thể tách rời khỏi nền kinh tế. Cho nên, để hoạt động lành mạnh thị trường này, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần xây dựng cơ chế pháp lý mới để quản lý. Bước đầu tiên là nghiên cứu các thông lệ quốc tế về quản lý nhà nước đối với các loại tiền ảo của một số nước trên thế giới. Bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo, thì cần hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn chuyên ngành về thương mại điện tử theo hướng sửa đổi, bổ sung những bất cập để phù hợp thực tiễn phát triển công nghệ hiện nay; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thuế như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế GTGT… và gắn với thực tiễn phát triển tiền ảo và sự phát triển của các trung gian thanh toán, công cu thanh toán phù hợp với thông lệ quốc tế…
Đặc biệt là cần có cơ chế phân quyền cho các cơ quan thuế thực hiện quản lý thu đối với những khoản thu thuế giao dịch tiền ảo; tăng cường quản lý theo chức năng, chia sẻ thông tin dữ liệu, yêu cầu quản lý giữa các Bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước... Phối hợp với các quốc gia trên thế giới để có những cam kết chia sẻ các thông tin liên quan đến tiền ảo trong hoạt động quản lý Nhà nước, chống trốn, tránh thuế, hoạt động rửa tiền, đặc biệt là ngăn chặn hành vi lừa đảo như tình trạng đã đề cập đến ở trên.