Muốn phát huy những tiềm năng du lịch Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng, thì các vấn đề về hạ tầng, dịch vụ là quan trọng và phải được nâng cao. Nhưng muốn làm được điều này, thì ngành bất động sản du lịch cần phải được “cởi trói”.
Tiềm năng nhưng thiếu đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt nhìn nhận: “Việt Nam là một đất nước có nhiều tỉnh thành sở hữu nhiều bờ biển đẹp, nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và đã được nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng cũng như các Hiệp hội du lịch trên thế giới xếp hạng cao. Nhưng những điều này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn Công ty lữ hành, cũng như yêu cầu đến tham quan vì thiếu các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cho việc phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí, tham quan của du khách. Rào cản lớn nhất hiện nay chính là hạ tầng còn kém đồng bộ, các chính sách cho phát triển du lịch đảo vẫn chưa cụ thể. Đây cũng là lý do khiến cho các nhà đầu tư (NĐT) phát triển bất động sản du lịch chưa mặn mà”.
Từ lâu, Phú Quốc đã nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước và được mệnh danh là hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020” theo QĐ số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 và ngành hàng không đã mở nhiều đường bay trong và ngoài nước đi và đến Phú Quốc, thúc đẩy lượng du khách đến Phú Quốc tăng trưởng vượt bậc, nhưng đến nay Phú Quốc vẫn chưa có những đột phá.
Ông Nguyễn Cao Cường, Phó Tổng giám đốc của LDG Group, đơn vị đang triển khai và phát triển dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand Word cũng cho biết, việc tập đoàn chọn để đầu tư dự án tại Phú Quốc, bởi nơi đây sở hữu nhiều bãi biển đẹp còn nguyên sơ nằm trải dài từ phía Bắc đến phía Nam, với nhiều đảo và nhiều di tích mang đậm nét văn hóa. Tuy nhiên, theo ông Cường “Chính phủ cần có nhiều động thái cụ thể hơn nữa, tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai các thông tư hướng dẫn, để tạo đà ngành bất động sản (BĐS) nói chung và BĐS du lịch nói riêng tăng trưởng đúng và đáp ứng với nhu cầu của xã hội, cũng như của nền kinh tế đất nước trước những Hiệp định Thương mại vừa được ký kết”.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội BĐS du lịch Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận “Việt Nam với nhiều tiềm năng rất lớn về du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác. Vì vậy, muốn khai thác tốt về du lịch thì mỗi địa phương bên cạnh việc nỗ lực của mình, các chính sách của nhà nước cần cởi mở hơn, để tạo thuận lợi thu hút cho các NĐT. “Trong đó rất quan trọng các dự án cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp cho dến việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kèm theo, nên BĐS du lịch Việt Nam hiện nay là một tiềm năng lớn và sẽ là một kênh đầu tư hiệu quả, đang thu hút nhiều NĐT cả trong và ngoài nước”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, bên cạnh việc triển khai tháo gỡ những rào cản cho việc phát triển thị trường BĐS của Chính phủ, trong đó có BĐS du lịch, nhằm đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, “Cơ sở hạ tầng và các dịch vụ vẫn thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu. Rào cản lớn nhất là các chính sách vĩ mô để tạo sức hút đối với các NĐT vẫn còn thiếu và chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến cho những động thái tích cực của các chính quyền địa phương trong việc ban hành các chính sách thu hút và kêu gọi đầu tư, vẫn không đủ sức hấp dẫn các NĐT tham gia”, ông Châu nêu ý kiến.
Bỏ rào cản để phát triển
Rõ ràng, sau hàng loạt các chính sách mới của Nhà nước được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS, góp phần tích cực cho việc thúc đẩy thị trường này ở những tháng cuối của năm 2015, trong đó có BĐS du lịch có chiều hướng tăng trưởng trở lại, sau một thời gian dài với những biểu hiện đầy “tiêu cực”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về kinh tế đã thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù có nhiều sửa đổi và nhiều điểm mới, nhưng các văn bản này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ ban hành chung và chưa được cụ thể cho từng địa phương. Chưa có những chính sách cho việc phát huy những tiềm năng là thế mạnh của địa phương cũng như một cơ chế cho cơ cấu kinh tế liên kết vùng miền. Điều này sẽ hạn chế việc đưa thị trường BĐS du lịch phát triển, để góp phần phát huy đúng mức những tiềm năng và nguồn tài nguyên của “ngành công nghiệp không khói” mà Việt Nam đang có.
Theo báo cáo đánh giá của Tập đoàn Savills Việt Nam, ngành dịch vụ khách sạn và du lịch của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng, nhằm theo kịp nhu cầu tiêu chuẩn quốc tế của khách du lịch nước ngoài cũng như nhu cầu du lịch đang ngày một gia tăng từ các nguồn khách nội địa. Đây cũng chính là lý do làm cho thị trường BĐS du lịch đang có sự thay đổi.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của savills Việt Nam cho biết: “Bởi trên thực tế, khách có nhu cầu du lịch ngày càng tăng và cuộc sống đang ngày càng hoàn thiện nên cũng càng ngày có xu hướng hưởng thụ cao hơn. Vì vậy, ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng thì du khách còn muốn được hưởng thụ những tiện ích đẳng cấp nhưng mang nét độc đáo. Đây cũng chính là yếu tố tạo ra một thị trường BĐS định hình để tiến tới sản phẩm cụ thể hơn. Các NĐT cũng cần phải có hướng đầu tư với những dự án cao cấp và tạo ra sự khác biệt để có thể phục vụ yêu cầu của đại đa số khách hàng. Nhưng muốn có một dự án tốt, một ngành du lịch phát triển, thì Chính phủ Việt Nam cũng cần xóa bỏ những rào cản không cần thiết về thủ tục làm cản trở cơ hội cũng như làm giảm đi tính hấp dẫn cho các NĐT”.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, mặc dù thị trường BĐS du lịch hiện nay đang là một ngành nhiều tiềm năng, nhưng rõ ràng khi nhu cầu nhiều thì sẽ có sự cạnh tranh lớn. Chính vì vậy, các NĐT cần phải có chiến lược. Trong đó, những NĐT có năng lực thực sự và có những chiến lược phát triển tốt với những dự án tốt, có quy mô lớn, tầm cỡ sẽ không chỉ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư cũng như đối tác, mà còn giúp định hình thương hiệu của mình, giúp cho việc triển khai dự án thành công hơn.
Có thể nói, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện một nền kinh tế thị trường năng động và hội nhập. Việc ký kết các hiệp định thương mại sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế đất nước cũng như cho doanh nghiệp Việt Nam. Những cơ hội mới của nền kinh tế, cùng với việc mở rộng thêm kênh và điều kiện cho các NĐT nước ngoài tham gia, cũng đồng nghĩa với một thị trường BĐS du lịch Việt Nam đang định hình và là một thị trường đầy tiềm năng. Đây chính là yếu tố tạo nên một thị trường với những dự án đẳng cấp và chỉ các NĐT lớn đang chiếm ưu thế hơn hẳn sẽ không chỉ định hình được thương hiệu, mà còn là những NĐT nắm giữ được thị trường này trong thời gian tới, góp phần tạo ra một thị trường BĐS Việt Nam nói chung và BĐS du lịch nói riêng phát triển minh bạch và bền vững.