Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, trong xây dựng tuyến đường sắt và đường sắt đô thị, cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/2, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Nêu ý kiến đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội đề nghị, trong xây dựng tuyến đường sắt và đường sắt đô thị, cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa tham gia xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe.
"Việc đặt hàng này giúp tăng trưởng trong nước, còn nếu mua nước ngoài sẽ chảy ra nước ngoài và không bao giờ chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt. Vì vậy cần đưa vào nghị quyết là ưu tiên đặt hàng. Chính phủ cam kết doanh nghiệp trong nước có thị phần để mạnh dạn và yên tâm đầu tư, gắn với việc bắt buộc chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước", đại biểu Cường đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ bổ sung thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ để ổn định chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân địa phương có tuyến đường sắt đi qua theo hướng "cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương chủ động quyết định biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành của pháp luật".
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian sẽ giảm từ 3-5 năm, rút ngắn trình tự phê duyệt theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cho hay, theo quy định thông thường, dự án cần lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu, thi công, triển khai dự án, với thời gian mất từ 3-5 năm, thậm chí là 5 năm ở hai thành phố.
Đối với chính sách chỉ định thầu, nếu thực hiện cũng sẽ rút ngắn thời gian thực hiện mà không phát sinh tình huống như phải đấu thầu lại, có dự án đã thực hiện chỉ định thầu tiết kiệm chi phí và phát huy hiệu quả.