Mất an toàn cháy nổ là vấn đề không hề mới, diễn biến phức tạp trong thời gian dài do đó cần đặt câu hỏi về vấn đề trách nhiệm trong quản lý an toàn cháy nổ", đại biểu Quốc hội đặt vấn đề.
Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, ngày 1/11 xảy cháy tại quán karaoke 68 (số 68 đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) và cháy lan sang các ngôi nhà liền kề, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên lề kỳ họp thứ 2, sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá, khuyến nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy, cũng như nâng cao ý thức người dân về an toàn cháy nổ.
Tiếp tục rà soát để bảo đảm các công trình đáp ứng được điều kiện về an toàn
Thông tin chung về tình hình vụ cháy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: Đến 23 giờ đêm 1/11, xác định đã có 13 nạn nhân. Tới thời điểm này, các nạn nhân được gia đình đón đưa về an táng. Hiện lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã đến thăm hỏi và hỗ trợ theo đúng quy định. Đại biểu Hoàng Trung Hải gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân và khẳng định: Đây là sự cố đáng tiếc, đặc biệt nghiêm trọng. Theo báo cáo của quận Cầu Giấy, Nhà hàng này đã được kiểm tra nhiều lần trong tháng 10 và không cho hoạt động do chưa đủ điều kiện và giấy tờ liên quan. Hiện Công an thành phố đang kiểm tra, xem xét, nếu cần thiết có thể khởi tố hình sự.
Nguyên nhân của vụ việc, đại biểu Hoàng Trung Hải cho biết: theo đánh giá ban đầu, xuất phát từ chuyện nhà hàng sửa chữa, hàn. Thực tế thì nhà hàng này chưa được đưa vào sử dụng, tuy vậy vẫn tổ chức khai thác, lúc sự cố xảy ra có 2 phòng đang hát. Cơ quan điều tra đã giữ những người có liên quan để tiếp tục điều tra. Khi sự cố cháy xảy ra, các cơ quan phòng cháy chữa cháy, lực lượng của Bộ Tư lệnh thủ đô đã có mặt kịp thời để cứu chữa cháy. Tuy nhiên, các vật liệu xây dựng cháy rất dữ dội, sau khi bơm nước cứu 3 nhà bị cháy lan, khả năng tiếp cận vẫn rất khó khăn; sau 4 - 5 tiếng dập lửa bằng nước, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa tiếp cận được hiện trường. Khi các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy tiếp cận thì trần bị sập nhiều nên phải kiểm tra lại các vật liệu. Có thể thấy các vật liệu này không phải là chống cháy mà còn rất dễ cháy.
Nhận trách nhiệm về mình với vai trò lãnh đạo thành phố, đại biểu Hoàng Trung Hải khẳng định: trong trường hợp vừa qua có thể khẳng định: Cháy, nổ, xảy ra chết người ở địa bàn nào thì trách nhiệm quản lý bao giờ cũng có. Các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội với mật độ dân số dày đặc, nguy cơ đe dọa an toàn trong các lĩnh vực, trong đó có phòng cháy chữa cháy là hết sức lớn. Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm tới những nguy cơ dẫn đến thảm họa đô thị, như: sập đổ công trình, tai nạn giao thông, ngập lụt, cháy nổ… và đã nhiều lần có chỉ đạo về việc này. Hiện Hội đồng nhân dân thành phố đang thực hiện công tác giám sát và trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm các công trình đáp ứng được điều kiện về an toàn. Đối với các công trình đáp ứng rồi vẫn phải làm tốt hơn các công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về cách phòng chống cháy. Nguyên tắc đặt ra là giám sát lại những điểm đã kiểm tra xem khả năng khắc phục những hạn chế như thế nào; rút ra được những kết luận, giải pháp nào từ những vụ cháy đã xảy ra để rút kinh nghiệm cho các vụ việc khác. Nếu phát hiện có vấn đề sai phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm an toàn cháy nổ
Đánh giá về công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu rõ: thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân. Nguyên nhân cơ bản là ý thức người dân chưa lường hết hậu quả của cháy nổ gây ra cho tài sản, sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình cũng như người xung quanh. Trong việc cấp giấy phép xây dựng, kinh doanh, các cơ quan chức năng thiếu quan tâm đến yêu cầu về đảm bảo an toàn cháy nổ. Công tác kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ, chưa xử lý nghiêm minh nên diễn ra tình hình vi phạm về an toàn cháy nổ diễn ra phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Giang Huy
Đại biểu kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tổng rà soát về an toàn cháy nổ ở khu dân cư, nhà cao tầng, các cơ sở kinh doanh... Công tác phòng cháy chữa cháy chưa thấm nhuần đến người dân, vì vậy cần có giải pháp để tăng cường tuyên truyền đến người dân với nhiều hình thức. Trong việc cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, quan tâm đến yêu cầu về an toàn cháy nổ trước khi cấp giấy phép; những trường hợp chưa được cấp giấy phép mà vẫn hoạt động kinh doanh thì phải rà soát, kiểm tra, xử phạt nghiêm.
Nêu quan điểm cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong an toàn cháy nổ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: bên cạnh những hạn chế, chủ quan trong ý thức của người dân về an toàn cháy nổ, hiện nay có những "lỗ hổng" trong công tác quản lý và quy trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Mất an toàn cháy nổ là vấn đề không hề mới, diễn biến phức tạp trong thời gian dài do đó cần đặt câu hỏi về vấn đề trách nhiệm trong quản lý an toàn cháy nổ. Trong thời gian qua nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về tài sản, làm chết nhiều người nhưng chưa có trường hợp nào quy trách nhiệm về quản lý an toàn cháy nổ. Nếu không kiên quyết thì thực trạng này vẫn sẽ còn tiếp diễn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm, rút ra những bài học nhằm tạo sự biến chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, cần công khai xử phạt, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm an toàn cháy nổ để tăng cường tính răn đe, đề phòng những trường hợp mất an toàn cháy nổ diễn ra trong tương lai - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.