Báo Công lý nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Viết, ngụ tại thôn An Bình, Cam Thanh, Cam Lộ, Quảng Trị. Theo đó, nhà và đất của ông Viết bị giải tỏa để xây dựng chợ Ngã Tư Sòng nhưng chính quyền không bồi thường bằng đất ở mới cho ông, giá đền bù quá thấp không tạo điều kiện cho ông có chỗ ở mới tốt hơn. PV Báo Công lý đã về địa phương tìm hiểu sự việc.
Đủ điều kiện được bồi thường
Tháng 7- 1989, ông Nguyễn Viết mua đất và tài sản của Hợp tác xã mua bán xã Cam Thanh tại Ngã Tư Sòng. Thửa đất được đo đạc, lập bản đồ địa chính có diện tích 330m2; thửa đất sử dụng không vi phạm quy hoạch, không có tranh chấp, được quản lý trong sổ mục kê lập ngày 12-8-1997 tại Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Cam Lộ. Quá trình sử dụng, ông Nguyễn Viết đã hai lần chấp hành việc giao đất cho nhà nước xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia: lần 1 (năm 1999) giao một phần đất cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A; lần 2 (năm 2000) giao lại 57m2 cho dự án xây dựng Quốc lộ 9 Xuyên Á giai đoạn 2. Hiện tại, ông Nguyễn Viết còn quản lý và sử dụng 117m2 đất, gồm: nhà ở, nhà quán và cây trồng.
Ông Nguyễn Viết trước căn nhà của mình sẽ bị giải tỏa để xây dựng chợ Ngã Tư Sòng
Ngày 11-11-2009, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 2332 phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng chợ Ngã Tư Sòng. Theo đó, Cụm Thương mại và Dịch vụ Ngã Tư Sòng gồm chợ, siêu thị và các lô quầy kinh doanh. Toàn bộ diện tích nhà, đất của ông Nguyễn Viết nằm trong phạm vi đường vào chợ nên bị giải tỏa trắng. Ông Nguyễn Viết chỉ được bồi thường, hỗ trợ về tài sản (nhà, vật liệu kiến trúc, hoa màu) trên 135 triệu đồng; riêng về đất thì không được bồi thường do không đủ điều kiện (chưa có “sổ đỏ”). Ông Viết đã khiếu nại đến Ban GPMB huyện Cam Lộ. Tại Quyết định số 520 ngày 6-4-2010, UBND huyện Cam Lộ đã công nhận một phần nội dung đơn khiếu nại của ông Nguyễn Viết, đồng ý bồi thường đất bằng giá trị nhưng không xem xét cấp đất tái định cư cho ông Viết. Ông Nguyễn Viết tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Quảng Trị.
Ngày 30-11-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường ký Quyết định số 2302 về việc giải quyết khiếu nại bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng xây dựng chợ Ngã Tư Sòng của ông Nguyễn Viết. Tại quyết định này, UBND tỉnh Quảng Trị đã công nhận một phần đơn khiếu nại của ông Nguyễn Viết là đất ông đang sử dụng đủ điều kiện bồi thường về đất. Tuy nhiên, quyết định này không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Viết về việc bồi thường đất bằng hình thức đất đổi đất; không công nhận khiếu nại của ông Nguyễn Viết cho rằng việc bồi thường nhà, tài sản năm 2009 là thấp và không chấp nhận yêu cầu được tính lại kinh phí bồi thường nhà, tài sản theo đơn giá năm 2010. Ông Nguyễn Viết tiếp tục khiếu nại Quyết định 2302 của UBND tỉnh Quảng Trị và ngày 14- 3- 2011 UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định 396 khẳng định lại các nội dung quan điểm như trên.
Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của dân
Khoản 3, Điều 42 Luật Đất đai 2003, quy định: “Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đối với khu vực đô thị; bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền đối với phần chênh lệch đó”.
Như vậy, luật đã quy định, đối với khu vực nông thôn, khi người có đất ở bị thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở. UBND tỉnh Quảng Trị không thể viện vào lý do là dự án chợ Ngã Tư Sòng đã duyệt phương án bồi thường bằng tiền nên không xem xét việc bồi thường bằng đất ở cho ông Nguyễn Viết (?!). Luật còn quy định, đối với khu vực nông thôn, nếu giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường thì người bị thu hồi đất còn được hưởng phần chênh lệch đó. Vì vậy, yêu cầu của ông Nguyễn Viết được bồi thường bằng đất ở là yêu cầu chính đáng, phù hợp với quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết cho biết: Đất của ông chỉ được UBND tỉnh Quảng Trị đền bù với giá 600.000 đồng/m2, trong khi đó giá đất thị trường tại thời điểm năm 2009 là từ 5 - 7 triệu đồng/m2; còn hiện nay (2012) thì giá đất thị trường đã lên đến 8 - 10 triệu đồng/m2. Số tiền đền bù nhà 135 triệu đồng thì ông chưa nhận, cộng với giá đất đền bù chỉ 600.000 đồng/m2 thì làm sao ông mua được một chỗ ở mới ở mặt tiền Quốc lộ 1A như nhà ông ở hiện nay?
Được biết, dự án xây dựng chợ Ngã Tư Sòng, sau khi di dời sang địa điểm mới thì tại chỗ cũ có mặt tiền 31m, sâu khoảng 20m. Đây được quy họach là khu dân cư. Nguyện vọng của ông Nguyễn Viết là có một nền nhà tại khu quy họach dân cư này. Theo chúng tôi, nguyện vọng này của người dân là hợp lý. Chính quyền tỉnh Quảng Trị cần giải quyết vụ việc đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân đã hy sinh một phần lợi ích vì sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Linh Giang