Hội thảo tham vấn các tổ chức xã hội về cơ chế công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân trong quản lý ngân sách nhà nước sáng nay 27/3 đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến chi ngân sách...
Đồng thời việc giám sát thực hiện các khoản chi đó còn đang bỏ ngỏ hiện nay. Đây là nội dung hết sức quan trọng bởi Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đang được sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 tới.
Theo khảo sát của một số tổ chức xã hội, nhiều công trình đầu tư lãng phí, ảnh hưởng đến dân sinh đã gây ra lo ngại trong dư luận về hiệu quả sử dụng tiền thuế của người dân thông qua hoạt động sử dụng, đầu tư bằng NSNN. Việc cung cấp thông tin cho người dân thường không đủ để người dân hiểu dự toán, thu chi NS và các công trình đầu tư có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ nên thiếu sự tham gia và giám sát của người dân trong quản lý các công trình đầu tư sử dụng NSNN. Chưa có cơ chế cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng phát huy hiệu quả vai trò đại diện cho người dân trong theo dõi, giám sát các công trình đầu tư…
Cần tăng cường sự giám sát của người dân trong việc quản lý ngân sách nhà nước
Bà Ngô Thị Minh Hương, Trung tâm phát triển và hội nhập - CDI cho biết: Mặc dù các thông tin về NSNN như các tài liệu công hiện đã được công khai nhưng vẫn chưa đủ vì nội dung và cách thức cung cấp thông tin về ngân sách hiện nay chưa đảm bảo để mọi người dân có thể tiếp cận. Bản thân người dân cũng chưa nhận thức được quyền và lợi ích của việc tham gia, xuất phát từ việc cho rằng “NSNN là ở trên, không phải tiền của mình, mình không có quyền”. Vì thế hiện nay người dân gần như không tham gia trong quản lý NSNN. Chính vì thế mà có những công trình như cầu khe nước Lặn tại thôn Xuân Lâm (Triệu Nguyên, Đa Krong, Quảng Trị) giờ chỉ là nơi chứa rác và cản trở giao thông...
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đã đề cập đến việc nhiều người dân than phiền “bị đứng ngoài” khi chính quyền triển khai các công trình đầu tư bằng NSNN tại địa phương, nhất là đối với những công trình đầu tư 100% bằng NSNN, trừ các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Kể cả khi công trình gây trở ngại cho cuộc sống, thiệt hại về sức khỏe, kinh tế của người dân địa phương, người dân có phản ánh thì cũng không được tiếp thu, khiến những công trình lãng phí tiền đầu tư vẫn tồn tại, thậm chí gây tranh chấp, khiếu kiện kéo dài… Trong khi những công trình có sự tham gia của người dân đều phát huy hiệu quả, ví dụ thực tế ở Hòa Bình, cùng do huyện làm chủ đầu tư nhưng con mương do “ở trên thuê người làm” đã bị nứt, thủng do ít xi măng, thép đan thưa, còn con mương do người dân tham gia đấu thầu xây hai năm vẫn tốt…
Vì vậy, đa số các ý kiến cho rằng: Cần sửa đổi Luật NSNN với những quy định tăng cường sự tham gia của người dân vào việc quản lý NSNN thông qua việc đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận các thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến thu, chi ngân sách mỗi cấp, đặc biệt là cấp xã cũng như dự toán, quyết toán các công trình đầu tư công tại địa phương, lấy ý kiến của người dân khi lập ngân sách… là một giải pháp thực sự cần cân nhắc để không còn những công trình đầu tư công chỉ để “giải ngân, chứ không phục vụ cho dân sinh”, một ý kiến nhận xét.