Ngày 29 và 30/12, tại Thái Bình, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về một số nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Theo đó, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính; vị trí, vài trò của VKS trong vụ án hành chính… được các đại biểu tập trung thảo luận.
Sửa đổi để phù hợp với Luật và thực tiễn
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chánh án thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết, theo sự phân công của UBTVQH, TANDTC đã phổi hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng Luật TTHC (sửa đổi). TANDTC đã tiến hành tổng kết thi hành luật TTHC, thành lập tổ biên tập, tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan để tiến hành xây dựng dự thảo Luật TTHC (sửa đổi).
Phó Chánh án thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại Hội thảo
Theo đó, nội dung sửa đổi sẽ tập trung vào các nội dung về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp và các quy định mới của Luật Tổ chức TAND 2014. Về thẩm quyền của Tòa án, sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định hợp lý thẩm quyền của Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn; điều chỉnh lại thẩm quyền xét xử của từng cấp Tòa án để phù hợp với mô hình, tổ chức Tòa án theo Luật Tổ chức TAND 2014 như: Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, tiếp tục kế thừa quy định của Luật TTHC, đồng thời bổ sung quy định loại trừ việc khởi kiện đối với hành vi, quyết định trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý các hành vi cản trở tố tụng của Tòa án để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn; điều chỉnh lại thẩm quyền của Tòa án từng cấp theo hướng: TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương không giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện mà giao cho TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết…
Theo Thẩm phán TANDTC Phạm Công Hùng, TAND thực hiện quyền tư pháp theo hiến định để kiểm soát quyền lực tư pháp. Theo đó, việc mở rộng thẩm quyền cho Tòa án được phán xét tính hợp pháp tất cả các quyết định của người hoặc cơ quan có thẩm quyền trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự và các tố tụng khác sẽ là một bước đột phá. Vì thông qua công tác xét xử loại việc này, Tòa án thực hiện quyền kiểm soát tính hợp pháp đối với các loại quyết định quan trọng về tố tụng liên quan đến quyền con người như: Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt giam, quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự, hành vi bắt giữ người trong tố tụng hình sự, hành vi hỏi cung của người có thẩm quyền bị khiếu nại…
Nhiều ý kiến cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Phương Hữu Oanh, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát giải quyết án hành chính, kinh tế, lao động (Vụ 12), VKSNDTC cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nguồn nhân lực của Tòa án còn hạn chế, khó đảm đương được công việc, vì vậy phải tăng biên chế, tăng nhân lực thì mới có người có thể đảm đương được công việc.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề cập đến thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp, khi giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của Chủ tịch hoặc UBND huyện thì Chủ tịch hoặc UBND cấp tỉnh đã sửa hoặc hủy quyết định hành chính của cấp huyện bị khiếu nại. Chiếu theo các quy định tại Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTPTANDTC của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì các quyết định của cấp tỉnh nêu trên cũng là đối tượng khởi kiện trong cùng một vụ án hành chính có đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính của cấp huyện.
Gặp trường hợp này, Tòa án đã rất lúng túng khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính, bởi vì nếu xác định vụ án trên thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện thì khi xét xử, Tòa án huyện không được quyền xem xét tính hợp pháp đối với quyết định hành chính của Chủ tịch hoặc UBND cấp tỉnh, còn trường hợp, nếu Tòa án cấp tỉnh rút vụ án hành chính trên lên để giải quyết, hoặc Tòa án cấp huyện thụ lý và giải quyết việc khởi kiện quyết định hành chính của Chủ tịch hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, còn Tòa án cấp tỉnh thụ lý và giải quyết việc khởi kiện quyết định của Chủ tịch hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì sẽ phát sinh thủ tục tố tụng rất phiền phức và gây rắc rối cho người dân có yêu cầu khởi kiện.
Xác định đúng vai trò của Viện kiểm sát tại phiên tòa
Liên quan đến vị trí, vai trò của VKS trong xét xử vụ án hành chính cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông Phương Hữu Oanh, Vụ trưởng Vụ 12, VKSNDTC cho rằng: Cần quy định VKS kiểm sát thụ lý vụ án hành chính, tham gia phiên tòa; tham gia hỏi người khởi kiện, người bị kiện, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng không đồng tình với quan điểm này và cho rằng, khác với vụ án hình sự, trong vụ án hành chính, dân sự, vai trò của VKS tham gia phiên tòa với các nội dung như trên không cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính TANDTC phân tích: Án hành chính là loại án “dân kiện quan”, nếu VKS tham gia phiên tòa nhìn vào sẽ thấy có sự mất cân đối tương quan lực lượng giữa cơ quan công quyền với người dân, tạo sự không công bằng. Nếu VKS bảo vệ cơ quan hành chính (bị đơn), thì sẽ có sự chênh lệch đáng kể vì cùng là cơ quan nhà nước; làm tăng sự bất bình đẳng giữa các đương sự khi “hai cơ quan Nhà nước bảo vệ nhau”. Theo Hiến pháp 2013 thì VKS kiểm sát hoạt động tư pháp, những nội dung thuộc về hoạt động tư pháp, VKS thực hiện nhưng không nhất thiết phải tham dự phiên tòa, mà vẫn có thể kiểm sát thông qua hồ sơ, tương tự như việc kiểm sát hoạt động thi hành án.
Hầu hết các nước trên thế giới, các phiên tòa hành chính đều không có sự tham của VKS. Nếu VKS tham gia phiên tòa hành chính, vậy Việt Nam có nên đặt ra tính đặc thù hay không, trong điều kiện hội nhập hiện nay? “Nhiều chuyên gia đến Việt Nam, họ ngạc nhiên và thấy rất “lạ” khi có VKS tham gia ở vụ án dân sự, hành chính”, ông Cường cho biết. Vì vậy, chỉ nên quy định VKS tham gia một số vụ việc cụ thể liên quan đến các lĩnh vực như bảo vệ tài sản công, người yếu thế…
Còn theo Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Bình Trần Nam Mẫn, làm thế nào để quy định vai trò của VKS tại phiên tòa cho phù hợp. Vì nếu phát biểu ý kiến nhận định công dân hay cơ quan Nhà nước đúng hay sai thì cũng sẽ làm ảnh hưởng, mất đi tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của của HĐXX tại phiên tòa. Nếu HĐXX tuyên không đúng với nhận định của VKS thì người dân nghi ngờ tính khách quan của HĐXX, làm cho người dân mất lòng tin vào các cơ quan Nhà nước và đặc biệt khó cho Tòa án, nhất là khi phát biểu về đường lối giải quyết vụ án của VKS không đúng.
Kết luận Hội thảo, TS Nguyễn Văn Luật cho biết, sẽ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp phù hợp, hoàn thiện dự thảo, trình Ủy ban Tư pháp trong tháng 2/2015 để cơ quan này tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật này.