Cần có những quy định cụ thể về người có tài năng

Ngọc Mai| 16/07/2019 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho rằng khái niệm “người có tài năng” quy định trong dự thảo Luật còn mông lung và khó khả thi, nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ thêm những quy định cụ thể.

Chiều 15/7, tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung liên quan đến chính sách đối với người có tài năng, hình thức kỷ luật giáng chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu... trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được Thường vụ Quốc hội thảo luận khá kỹ.

Các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, khó và phức tạp, vừa đặt ra để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Đảng nhưng đồng thời cũng giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức.

Cần có những quy định cụ thể về người có tài năng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tại phiên họp

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, một số ý kiến ĐBQH tán thành với giao Chính phủ quy định cụ thể về khung chính sách đối với người có tài năng. Một số ý kiến đề nghị bổ sung trong Luật khái niệm “người có tài năng”; bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; sửa đổi thẩm quyền quy định chính sách đối với người có tài năng tại địa phương theo hướng giao HĐND quy định.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng khái niệm về người có tài năng trong hoạt động công vụ theo hướng “người có tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được”; đồng thời chỉnh lý quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đối với việc thu hút người có tài năng nói chung được ưu tiên tuyển dụng thông qua phương thức tuyển dụng quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật.

Cho rằng khái niệm “người có tài năng” còn mông lung và khó khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, chúng ta đang quy định về người có tài năng trong hoạt động công vụ hay thu hút người có tài năng vào hoạt động công vụ? Quy định người có tài năng cần có những tiêu chí rõ ràng, dựa theo yêu cầu tuyển dụng của từng cơ quan. Đơn cử, Ủy ban Tư pháp có thể tuyển chọn những học sinh ưu tú tốt nghiệp Đại học Kiểm sát, Học viện Tòa án, chuyên ngành tố tụng… Người có khả năng trong hoạt động công vụ, thì phải qua hoạt động công vụ mới xác định được năng lực chuyên môn. Còn nếu đã quy định phải có năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho ngành, lĩnh vực cụ thể, thì tiêu chí này rất khó đề người đứng đầu hay các cơ quan, đơn vị đánh giá, lựa chọn.

Về thẩm quyền quyết định cụ thể chính sách đối với người có tài năng, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí quan điểm cần có sự phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức như Chính phủ đề nghị. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bổ sung quan điểm, việc bố trí, sử dụng người tài phải đúng với chuyên môn, trình độ đào tạo, nếu không đúng vị trí thì không phát huy được năng lực.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, cần có những quy định cụ thể về người tài, nếu không, tư tưởng của Đảng, Nhà nước rất tốt những không chọn được người tài, người giỏi, không liên thông được.

“Một người rất giỏi ở doanh nghiệp muốn vào công chức, sẵn sàng đóng góp cho Đảng, Nhà nước nhưng không vào được, hay hiệu trưởng một trường, là viên chức, tôi giới thiệu vào làm đại biểu Quốc hội cũng không được. Quan trọng nhất ở đây là liên thông và xác định tài năng phù hợp với đánh giá, thẩm định của các tổ chức của quốc tế,” ông Phan Xuân Dũng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng khái niệm đối với người có tài năng quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu rõ thêm vì phạm trù này phức tạp và có nhiều ý kiến khác nhau.

“Chưa nên đưa ra định nghĩa còn quá chung chung, chưa cụ thể ngay trong Luật. Chính sách đối với người có tài năng chỉ nêu nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định, sẽ tạo sự minh bạch trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng chiến lược về nhân tài,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Liên quan việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề rất khó. Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế khi Quốc hội thảo luận lần đầu tiên, ra một Nghị quyết để cách chức một nguyên Bộ trưởng.

Phân tích của Chủ tịch Quốc hội cho thấy, những người nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là công chức. Cần cân nhắc có nên tách một điều riêng trong dự luật về xử lý kỷ luật đối với người nghỉ việc, nghỉ hưu. Có nên quy định cụ thể nội dung này trong luật hay không, hay chỉ quy định nguyên tắc và tạo cơ sở để Chính phủ có quy định hình thức và quy trình xử lý kỷ luật với đối tượng này, tạo sự minh bạch trong tổ chức thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có những quy định cụ thể về người có tài năng