Ở Việt Nam, có thể dễ nhận thấy có khá nhiều danh nhân được đặt tên cho các trường Đại học. Thường thì, đó là các trường Đại học dân lập. Vậy nhưng, có một điều khó hiểu là Nguyễn Du, một danh nhân tầm cỡ thế giới, nhưng hiện tại không có một trường Đại học nào mang tên ông.
Về việc lấy tên danh nhân đặt tên trường Đại học
Một số trường Đại học mang tên một số người nổi tiếng ở Việt nam. Trong số đó chúng ta có thể điểm qua: Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Phạm Ngọc Thạch, Lê Quý Đôn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Chu Văn An, Quang Trung, Phan Châu Trinh…
Một trong những điểm chung ở nhiều nước trên thế giới, là lấy tên danh nhân của nước mình đặt tên cho những trường Đại học. Như ở Mỹ, có các trường mang tên của G.Washington, A. Lincoln, J. Hopkin…Cũng có những ngoại lệ, danh nhân nước ngoài được đặt tên cho trường Đại học trong nước, như trường hợp của Đại học Yersin Đà Lạt (A.Yersin, bác sĩ nổi tiếng người Pháp gốc Thụy Sỹ. Ông có nhiều thời gian sống Việt Nam và qua đời tại đây, ông được truy tặng "Công dân Việt Nam danh dự") hay Đại học Fulbright Việt Nam là một ví dụ (Dự án Đại học Fulbright Việt Nam lần đầu tiên được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ngày 25/7/2013).
Hiện tại, ở Việt Nam, không có trường Đại học nào mang tên Nguyễn Du, phải chăng là một thiếu sót?
Thực ra thì, nếu nói Nguyễn Du chưa từng được đặt tên cho trường Đại học nào ở Việt Nam là không công bằng. Trước đây, vào khoảng những năm 1979- 1980, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội (số 418, Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) có thành lập một ngôi trường mang tên trường Viết văn Nguyễn Du do giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là hiệu trưởng đầu tiên. Đây là một mô hình trường trong trường. Các giảng viên trường Viết văn Nguyễn Du ngày đó là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng như: Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Hồ Ngọc Đại, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Từ Chi, Nguyễn Khắc Dương, Nguyên Ngọc, Đỗ Lai Thúy, Vũ Quần Phương, Lê Minh Khuê, Đỗ Văn Khang, Nguyễn Đăng Mạnh…Với các lứa học trò là những gương mặt đặc sắc của văn đàn Việt đương đại như Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Trường, Dạ Ngân, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy, Y Ban, Nguyễn Bình Phương, Dương Thu Hương, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Trọng Tạo…
Quyết định số 34/2004/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hoá-Thông tin “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội”, Trường Viết văn Nguyễn Du trở thành Khoa Sáng tác và Lý luận-Phê bình Văn học. Quyết định số 1278 kí ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Khoa Sáng tác & Lý luận – Phê bình văn học chính thức đổi tên thành Khoa Viết văn – Báo chí, trực thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội .
Như vậy là, tính từ thời điểm năm 2004, Trường Viết văn Nguyễn Du đã bị kéo xuống từ một “trường” xuống thành một “khoa”. Ở đây, có thể nói là dấu chấm hết cho một tiền đề cho một trường Đại học mang tên Đại thi hào của dân tộc, dù đó là trường Viết văn, được nằm trong khuôn khổ của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Mấy vấn đề đặt ra
Chúng ta vẫn biết rằng việc thành lập một trường Đại học cần lộ trình nhất định. Không thể có chuyện trong một vài tuần là đã có ngay một cơ sở Đại học đúng nghĩa. Chẳng hạn như tỉnh Hà Nam sẽ xây dựng trường Đại học mang tên Nam Cao- nhà văn hiện thực xuất chúng. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu khoảng hơn 19 nghìn tỷ đồng, tức gần 1 tỷ đô la Mỹ. Đó là một con số khổng lồ và cần thời gian dài thì ngôi trường ấy mới có thể đi vào hoạt động chính thức.
Chúng ta không so sánh Nam Cao và Nguyễn Du, nhưng phải xác quyết lại rằng, Nguyễn Du là một Đại thi hào của dân tộc. Truyện Kiều của ông được coi là “Quốc văn, Quốc túy, Quốc hồn”. Mấy thế kỷ qua, chưa có một trường ca nào ở Việt Nam xứng đáng đứng cạnh Truyện Kiều. Rõ ràng, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một kiệt tác mang tầm vóc của một tác phẩm số 1 trong nền văn học nước nhà. Nhưng tại sao tên ông không được mang tên một ngôi trường Đại học? Có chăng chỉ là một ngôi trường Cao đẳng mang tên ông còn khá khiêm tốn ở trong quê hương Hà Tĩnh.
Có một trường hợp như của Nguyễn Trường Toản, một danh nhân miền nam, ông được đặt tên cho một trường Đại học ở Hậu Giang. Ở đây chúng ta không bàn đến quy mô đào tạo, chất lượng giảng viên và sinh viên. Nhưng sẽ xét đến vấn đề tại sao một người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như Nguyễn Du lại không được đặt tên cho một trường Đại học? Tất nhiên là, chuyện có hay không đặt tên Nguyễn Du cho một trường Đại học thì vị trí của Nguyễn Du trong lịch sử văn học Việt Nam vẫn không có gì suy suyển nhiều. Chắc chắn ông vẫn được coi là một Đại thi hào. Còn trường hợp của Nguyễn Trường Toản, thực tế là có nhiều người còn chưa hề nghe biết đến tên ông.
Vậy có phải là một sự thiếu sót không nhỏ khi nước ta vẫn không lấy tên Nguyễn Du cho một trường Đại học? Hay mở rộng hơn là một giải thưởng văn học mang tầm cỡ quốc gia xướng tên Nguyễn Du? Đó chẳng phải là sự ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Du thật thấu tình đạt lý hay sao?