Trong khi tất cả các cơ quan tư pháp, Luật sư phải hết sức chú ý và tuân thủ các quy định hiện hành, mang trang phục lịch sự đến tòa thì các bị cáo lại mang những thường phục nhếch nhác, có những từ ngữ (trên quần áo) thiếu thẩm mỹ, phản cảm…
Trang phục của Thẩm phán nói riêng và những người tham dự phiên tòa như Kiểm sát viên, Luật sư nói chung ra đời từ rất sớm, gắn với những thành tựu cải cách tư pháp của nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, với các bị cáo tại Tòa, ngoài quy định được mặc thường phục theo Nghị quyết số 743/2004 của UBTVQH thì đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để phiên tòa đảm bảo tính trang nghiêm...
Trang phục bị cáo in hình phản cảm
Mới đây, ngày 14/5, TAND TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ án tàng trữ, mua bán trái phép hơn 200kg ma túy các loại do trùm ma túy Văn Kính Dương (38 tuổi, còn gọi là Hoàng “béo”, quê Hà Nội) cầm đầu cùng Vũ Hoàng Anh Ngọc (còn gọi là hot girl Ngọc Miu, 25 tuổi, quê tại Hải Phòng) và các đồng phạm khác. Phiên tòa gây sự chú ý khi tại phiên xử bị cáo Văn Kính Dương, Vũ Hoàng Anh Ngọc và một số bị cáo khác mặc những trang phục có hình thù, slogan lạ mắt, thậm chí có cả những từ ngữ nhạy cảm được in trên áo hoặc các bị cáo gây sự chú ý và phân tâm của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng, trang phục của bị cáo như vậy làm giảm đi tính trang nghiêm của phiên tòa.
Đây cũng không phải trường hợp cá biệt vì có nhiều phiên tòa diễn ra mà bị cáo mang những trang phục chưa thật phù hợp như áo phông không cổ hay họa tiết sặc sỡ…làm phiên tòa giảm đi sự trang nghiêm. Tại phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng trước đây, khi đến Tòa, bị cáo Trọng có mặc áo phông in dòng chữ “Black Flag” trước ngực. “Black Flag” là tên một ban nhạc rock của Mỹ thành lập năm 1976 với biểu tượng "cờ đen". Ban nhạc này từng nổi tiếng với những bài hát phê phán cảnh sát và từng có các nhạc phẩm chứa ca từ chống Chính phủ. Ngoài ra, slogan này còn có thể được hiểu là “Đội quân cờ đen”…
Bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa với trang phục áo phông có in dòng chữ “Black Flag”
Nghị quyết 743/2004 của UBTVQH về trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự có quy định: “Bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm; bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên tòa thì sử dụng trang phục dành riêng cho họ theo quy định của Chính phủ”. Vậy nên sau ngày 24/12/2004, các bị cáo bị áp giải đến phiên tòa không phải mặc đồng phục là áo sọc mà thay vào đó được mặc thường phục.
Những chiếc áo tù kẻ sọc đã không còn xuất hiện trước vành móng ngựa như trước đây, thay vào đó là quần jean, áo sơ mi dài tay, ngắn tay đủ kiểu hoặc áo thun... Đây được coi là một trong những điểm tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp thời gian qua, đồng thời giúp các bị cáo cảm thấy dễ chịu hơn khi phải đối mặt với mọi người tại phiên tòa. Tuy nhiên, từ sau khi Nghị quyết 743/2004 của UBTVQH về trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự có quy định bị cáo được mặc thường phục thì đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn nào thêm. Bởi vậy mới có trường hợp bị cáo khi ra Tòa mặc trang phục có nhiều điểm gây chú ý, gây phản cảm như đã đề cập ở trên.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Việc các bị cáo mặc thường phục như thế nào để “bảo đảm sự trang nghiêm” theo quy định đến nay luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vậy nên, cơ quan có thẩm quyền rất khó để xử lý những trường hợp như đã diễn ra.
Hiện nay, một số cơ quan công sở có quy định cán bộ nhân viên đơn vị mình đi làm hoặc đến làm việc tại nơi công sở không mặc áo sát nách, không mặc váy quá ngắn (trên đầu gối bao nhiêu, không mặc áo thun không có cổ áo…) nhưng nhiều đơn vị cũng không có quy định gì. Những quy định đó nếu có cũng chỉ gói gọn trong một số nơi cụ thể, không có quy định chung, thống nhất cho toàn bộ cơ quan công sở. Những quy định này chỉ mang tính chất nội bộ nên rất khó để áp dụng chung, ngoài ra vì không có quy định cụ thể nên phụ thuộc vào sự mong muốn và hợp tác của các bị cáo khi đến Tòa.
Theo quy định tại Điều 1, Nghị quyết 743 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì: “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm. Bị cáo là quân nhân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu. Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên toà thì sử dụng trang phục riêng cho họ theo quy định của Chính phủ”.
Luật sư Nguyễn Quang Anh (Đoàn LS TP. Hà Nội) cho rằng, quy định cho phép bị cáo mặc thường phục khi đến Tòa là một trong những tiến bộ của tinh thần cải cách tư pháp mà Việt Nam đã áp dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định rõ bị cáo ra Tòa phải mặc đồ trang nghiêm thế nào, nên sẽ rất khó để xử lý khi họ không tuân thủ. Để khắc phục tình trạng này, cần có những hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một cách bài bản.
Còn trước mắt, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cán bộ trại giam có thể kiểm soát việc này ngay từ khi trích xuất bị cáo dẫn giải đến Tòa. Bởi, nếu tại phiên tòa, Thẩm phán có đề nghị bị cáo thay đổi trang phục khác thì cũng sẽ rất khó để xử lý; không thể đưa bị cáo quay lại trại giam/trại tạm giam để thay trang phục khác, vì sẽ ảnh hưởng đến phiên tòa.
Cũng theo LS Nguyễn Quang Anh, trong những năm qua, những nỗ lực của các cơ quan tư pháp, của Quốc hội để thực hiện cải cách tư pháp đã đạt hiệu quả. Hiện đã có những thay đổi đáng kể, như quy định về trang phục của Thẩm phán, Luật sư, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Những nỗ lực này không chỉ tạo nên dấu ấn mạnh mẽ về cải cách tư pháp, mà còn thể hiện sự nghiêm túc, trang nghiêm chốn pháp đình. Trong khi tất cả các cơ quan tư pháp, Luật sư phải hết sức chú ý và tuân thủ các quy định hiện hành, mang trang phục lịch sự đến tòa thì các bị cáo lại mang những thường phục nhếch nhác, có những từ ngữ (trên quần áo) thiếu thẩm mỹ, phản cảm… đến Tòa là không phù hợp.