Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2018 để khắc phục, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Chiều ngày 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2019; sơ kết ba năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ NSNN năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.
Ảnh minh họa
Đánh giá về tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2018, về cơ bản, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với đánh giá của Chính phủ song đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu tăng thu tích cực hơn, không để nợ hoàn thuế đối với doanh nghiệp, nâng cao hơn chất lượng kiểm tra, thanh tra, chống gian lận trong hoàn thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua báo cáo của Chính phủ và kết quả giám sát tại một số địa phương, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, kết quả thu NSNN ước vượt dự toán.
Về chi NSNN trong năm 2018, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, NSNN đã bảo đảm được các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.
Trong thực tế điều hành NSNN năm 2018, có phát sinh một số dự án sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài chưa được giao dự toán. Chính phủ đã có Tờ trình về từng nội dung, báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận về mặt nguyên tắc, cho phép giải ngân theo cam kết với các nhà tài trợ và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho phép bổ sung dự toán NSNN năm 2018 tại Kỳ họp thứ 6. Vì vậy, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí các nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung NSNN năm 2018, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Từ thực tế phát sinh vướng mắc trong năm 2017 về một số khoản chi thường xuyên không được chuyển nguồn. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2018 để khắc phục, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rà soát, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư đã giao nhưng không giải ngân hết để bố trí xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, không để chuyển nguồn lớn sang năm sau; rà soát hệ thống văn bản liên quan, trong đó, đề nghị rà soát lại quy định của Nghị định 126/2017/NĐ-CP về “chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần” để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật NSNN.
Về dự toán thu ngân sách nhà nước, báo cáo thẩm tra chỉ rõ: Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020, dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 là khó khăn. Vì thế, Chính phủ cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời rà soát các nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư, có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.
Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh: Nguyên tắc ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi ngân sách; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.
Về bội chi NSNN và nợ công, báo cáo của Chính phủ cho biết, dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,1% GDP so với năm 2018, nợ công có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cảnh báo, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50% GDP), đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia…