Chính trị

Cần chính sách phù hợp cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Mai Thoa 24/06/2023 - 15:36

Sáng 24/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết nhằm xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó CAND làm nòng cốt thực hiện.

Về việc bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, các đại biểu cho biết, điều 16 đến điều 21 do dự thảo luật quy định rất nhiều chính sách và điều kiện hoạt động cho lực lượng này, tuy nhiên, cần rà soát đánh giá đảm bảo sự hài hòa với các lực lượng quần chúng khác ở cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện các quy định như trong dự thảo luật, cần có nguồn lực ngân sách tương đối lớn, do vậy cần thiết kế cơ chế tài chính cụ thể hơn để đảm bảo được tính khả thi khi luật có hiệu lực.

Theo đại biểu Nguyễn Công Hoàng ( Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), hiện nay, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được hưởng chế độ trợ cấp từ ngân sách do HĐND cấp tỉnh quy định theo vị trí mà họ đảm nhận. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể về việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cho lực lượng công an xã chính quy, Ban Chỉ huy quân sự xã và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, từng bước bố trí trụ sở làm việc, đảm bảo cơ sở vật chất khác để lực lượng này hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

can-chinh-phu-hop-sach-cho-luc-luong-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so(1).jpg

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho hay, quy định về chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là hợp lý, tuy nhiên cần đảm bảo những quy định này được thực thi hiệu quả trong thực tiễn. Vì vậy cần tính toán và quy định kỹ về nguồn kinh phí thực hiện các chế độ chính sách này đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, đồng thời đề nghị cần có nội dung về việc cân đối ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là các vùng điều kiện kinh tế khó khăn ở biên giới miền núi.

Cùng quan điểm này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ hơn về tổ chức ngân sách khi thành lập lực lượng này, đồng thời cần tổng kết, đánh giá thực tế về tình hình an ninh trật tự hiện nay; vấn đề thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an xã; việc phát huy nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; các hoạt động tự nguyện tự quản ở cơ sở hiện nay đạt được kết quả hiệu quả như thế nào, kể từ đó có quy định phù hợp về số lượng, chính sách, chức năng, nhiệm vụ, của lực lượng này, để khi luật được Quốc hội thông qua thì các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện và phát huy được hiệu quả của lực lượng sau khi thành lập.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đề nghị làm rõ thêm vấn đề liên quan đến đội dân phòng. Hiện nay, chúng ta mới thành lập được khoảng 79.000 đội dân phòng và đội viên là khoảng hơn 800.000.  người. Nếu theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy, chúng ta còn tới khoảng 230.000 đội và nếu thành lập hết thì có thể lên đến hàng triệu đội viên nữa, riêng đội trưởng, đội phó đã khoảng 47.000 nếu chúng ta thành lập hết theo Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu cho rằng, chúng ta phải xác định là huy động người dân tham gia các lực lượng thì dù chúng ta có hỗ trợ kinh phí hay không vẫn sẽ là huy động lực lượng, nguồn lực của xã hội, kể cả không chi trả từ tiền ngân sách. Việc huy động đó nếu không cần thiết, không hợp lý sẽ là lãng phí nguồn lực và cũng cần phải đánh giá tác động. Việc giải trình trong hồ sơ dự án Luật cho rằng không đặt ra vấn đề hợp nhất lực lượng dân phòng với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chưa thuyết phục, cần phải nghiên cứu để tính toán, Nếu cần thiết, chúng ta tổng kết các quy định liên quan trong Luật Phòng cháy, chữa cháy để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Phát biểu giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này. Các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành, một số đại biểu thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và nhiều nội dung khác qua dự thảo luật, có nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích và tham gia những ý kiến xác đáng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ hoặc đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý một số nội dung lớn về sự cần thiết ban hành luật, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; sự phù hợp với đường lối, với Hiến pháp, nhất là quyền con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi với mục tiêu để phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và chuyển cho các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ sẽ chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chính sách phù hợp cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở