Cán bộ Tài nguyên và Môi trường chiếm đoạt tài sản của dân

Nguyễn Hải| 19/07/2014 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử vụ án có số người tham gia tố tụng đông đảo nhất, 125 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, gây sự quan tâm của dư luận…

Hoàn cảnh khốn khó đồng tiền làm mờ mắt

Đỗ Hồng Cường, SN 1985 tại Phù Mỹ - Bình Định trong một gia đình có ba anh em. Cường là con út trong gia đình được cha mẹ cho ăn học để có thể thay đổi cuộc sống. Sau khi học xong Trung cấp Thủy lợi 2 tại Tp Hội An - Quảng Nam, Cường đã rời bỏ quê hương Phù Mỹ, Bình Định lên Kon Tum để kiếm việc làm nuôi sống bản thân và có thể phụ giúp cha mẹ.

Nơi đây Cường đã tìm được việc làm nhân viên hợp đồng thuộc phòng TN và MT huyện Sa Thầy. Để gắn bó với vùng đất này được dài lâu Cường đã kết hôn với chị Hà Thị Thảo họ đã có với nhau một đứa con nay đã được 4 tuổi, chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của Cường để nuôi sống gia đình trong khi bản thân Cường lại có bệnh tật thì khó có thể đáp ứng đủ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Đó cũng là nguyên nhân khiến Cường bất chấp tất cả để kiếm tiền cho dù đó là con đường bất chính.  

“Tiền” làm mờ mắt…

Gánh nặng mưu sinh đã làm cho Đỗ Hồng Cường thay đổi, lợi dụng trách nhiệm và quyền hạn được giao để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân để phục vụ cho những nhu cầu cá nhân của mình.

Cán bộ Tài nguyên và Môi trường chiếm đoạt tài sản của dân

Bị cáo Đỗ Hồng Cường trước vành móng ngựa

Quá trình phạm tội: Trong quá trình hoạt động, ngày 15/01/2008 phòng TN và MT huyện Sa Thầy có ký hợp đồng lao động với Đỗ Hồng Cường vào làm nhân viên hợp đồng. Từ năm 2008 đến năm 2011, Cường được phân công nhiệm vụ lập hồ sơ để cấp GCNQSDĐ trên địa bàn xã Sa Sơn, theo dõi, tổng hợp vào sổ địa chính, sổ mục kê, sổ cấp GCNQSDĐ, đăng ký thế chấp và xóa thế chấp.

Bằng năng lực của bản thân và kinh nghiệm trong công tác dần tạo được lòng tin với lãnh đạo phòng TN và MT huyện Sa Thầy nên Cường  được giao những công việc quan trọng hơn. Từ năm 2011 đến trước ngày bị TAND tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử Cường được giao nhiệm vụ giúp lãnh đạo trong việc phúc tra hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển đến. Giúp lãnh đạo phối hợp với các cơ quan liên quan phúc tra công tác giới thiệu đất, thu hồi đất, thống kê, kiểm kê khối lượng bồi thường thiệt hại, khoáng sản và thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi được giao. Ngoài ra, Cường còn được phân công nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi, báo cáo việc sử dụng phôi GCN của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Sa Thầy.

Lợi dụng lòng tin, sự tín nhiệm của lãnh đạo trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 3/2013 Cường đã sử dụng phôi GCN để làm giả 160 GCN cấp phát cho 112 hộ dân với tổng diện tích đất là 2.071.714m2, trong đó diện tích đất ở là  4.145m2, đất nông nghiệp là 2.067.569m2 và làm giả 30 phôi GCN.

Hành vi đó được thực hiện bằng cách tẩy xóa toàn bộ thông tin trên GCN đã có chữ ký thật của lãnh đạo UBND huyện Sa Thầy để in ấn toàn bộ thông tin khác, ký giả mạo chữ ký trong công tác của các ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, ông A Kang nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy để làm giả 151 GCN mới và cấp phát cho 112 hộ dân trong và ngoài tỉnh Kon Tum. Để che giấu cho hành vi phạm tội của mình Cường đã ghi thông tin sai lệch về chủ sử dụng đất, thông tin thửa đất hầu hết 151 GCN.

Ngoài ra Cường còn giả mạo chữ ký lãnh đạo phòng TN và MT huyện Sa Thầy (ông Đào Duy Hiến), Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (ông Lê Phan Tuấn) bằng hình thức sao in chữ ký. Mục đích để làm giả thủ tục xác nhận việc chuyển nhượng đất, cho tăng đất, những biến đổi về thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đăng ký thế chấp QSDĐ và tài sản.

Thông qua hành vi trên Cường đã chiếm đoạt 879.000.000 đồng từ 81 hộ nhờ Cường làm 114 GCN. Thông qua trung gian (Phan Văn Thành, Nguyễn Tiến Dự, Nguyễn Quang Phấn, Nguyễn Văn Sang) làm 46 GCN với tổng số tiền 568.200.000 đồng. Tổng số tiền mà Cường hưởng lợi từ hành vi sai trái của mình là 1.447.200.000 đồng.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra

Tưởng có thể chiếm không số tiền hơn 1 tỷ đồng của người dân nhưng những việc làm bất chính thì khó có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Đỗ Hồng Cường đã bị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác” theo điều 284 BLHS với mức án 8 năm tù. Có lẽ đây là mức án quá nhẹ so với hậu quả mà Đỗ Hồng Cường đã gây cho 112 hộ dân trong địa bàn huyện Sa Thầy và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân vào chính quyền huyện Sa Thầy. Còn đối với Thành, Dự, Sang, Phấn vì tin tưởng Cường nên nhận hồ sơ, tiền của các hộ dân đưa cho Cường làm thủ tục cấp GCN mà không biết hành vi làm giả GCN của Cường. Do vậy không đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm trong vụ án này.

Từ vụ án Nguyễn Hồng Cường cũng để lại một bài học lớn cho người dân và lãnh đạo chính quyền huyện Sa Thầy. Về phía người dân cần tìm hiểu cho kỹ những quy định của pháp luật trong việc cấp GCN và tuân thủ đúng quy trình trong quá trình cấp GCN, không vì nôn nóng muốn có GCN để người khác có cơ hội lợi dụng gây thiệt hại đến bản thân mình mà còn ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Về phía đội ngũ lãnh đạo cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa không nên tin tưởng tuyệt đối vào cấp dưới của mình. Đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời những cán bộ làm sai để làm gương cho những người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ Tài nguyên và Môi trường chiếm đoạt tài sản của dân