Dù đã tăng cường kiểm soát nhưng với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn liên tiếp tuồn hàng vào nội địa qua mọi hình thức nên lực lượng quản lý thị trường phải có nhiều giải pháp mạnh tay...
Thời điểm cuối năm cũng là lúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng được đẩy mạnh và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vi phạm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa…
Dù đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vi phạm vẫn liên tiếp tuồn hàng vào nội địa qua mọi hình thức. Thực tế này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải triển khai nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa nhằm siết chặt kỷ cương để giữ vững việc ổn định thị trường.
Siết chặt quản lý
Bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết trong 9 tháng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 37.800 vụ vi phạm, xử phạt, thu nộp ngân sách nhà nước 233 tỷ đồng. Riêng quý 3 năm nay, xử lý hơn 12.600 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 41 tỷ đồng.
Sở dĩ tình trạng buôn lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp do Việt Nam có đường biên giới dài, nhiều đường mòn lối mở, cộng thêm giá nhiều loại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước láng giềng có sự chênh lệch lớn.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập là một trong những yếu tố khiến cư dân khu vực biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu; hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại còn chồng chéo, nhận thức về chống buôn lậu tại mỗi địa phương có lúc, có nơi chưa thống nhất; lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng dẫn tới việc chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo bà Nguyễn Minh Phương, những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sức mua tăng cao, hoạt động khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng diễn ra sôi động ở cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử dẫn tới nguy cơ buôn lậu và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tăng cao.
Điều này đặt ra yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh nhằm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Là một trong những địa bàn nóng, thời gian này lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang ráo riết thực hiện kế hoạch cao điểm nhằm bảo đảm ổn định thị trường hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, mặc dù lực lượng đã liên tiếp kiểm tra nhưng thị trường vẫn luôn diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản...không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại.
Do vậy, Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc nhằm ổn định thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ mới đây, Cục Quản ly thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần từ ngày 11/11/2021-28/2/2022.
Mục đích chính của Kế hoạch nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
Trong nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra, Cục trưởng Trương Văn Ba cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường căn cứ tình hình, đặc điểm địa bàn phụ trách để rà soát các mục tiêu trọng điểm; phân công công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bắt tay phối hợp
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ; nhất là các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, rượu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng...
Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, lực lượng sẽ tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh.
Ngoài ra, lực lượng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng thời điểm cuối năm các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động để đưa hàng hóa ra thị trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhằm đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay và phù hợp hơn để việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao.
Mặt khác, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng tại các địa phương biên giới, địa bàn trọng điểm để tăng cường kiểm tra, ngăn chặn không để hàng hóa nhập lậu vào thị trường; trong đó, tập trung vào những mặt hàng trọng tâm, địa bàn trọng điểm.
Không những thế, việc phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng khác liên quan như Công an, Hải quan, Biên phòng… cũng là giải pháp hữu hiệu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính./.