Nội dung trên được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Ngành Nội chính Đảng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng nay (29/1).
Đồng chí Đinh Thế Huynh trao Huân chương Lao động cho cá nhân các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng dự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã ôn lại truyền thống 50 thành lập, xây dựng và trưởng thành của ngành Nội chính Đảng.
Theo đó, ngày 5/1/1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW thành lập Ban Pháp chế Trung ương - tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương ngày nay. Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu mới của cách mạng, ngày 17/9/1979, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 48-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương, trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ và cán bộ của Ban Pháp chế Trung ương, bổ sung nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành nội chính; đồng thời quy định về việc thành lập ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đây là giai đoạn phát triển mới của ngành Nội chính Đảng.
Trong giai đoạn 2007-2012, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng, Ban Nội chính Trung ương hợp nhất vào Văn phòng Trung ương Đảng và thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
Để đáp ứng yêu cầu công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Đánh giá giai đoạn hình thành và phát triển 50 năm qua, đồng chí Phan Đình Trạc nhìn nhận, mặc dù có nhiều biến động, thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng của nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngành Nội chính Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từng bước trưởng thành và phát triển. Từ nhiệm vụ tham mưu về công tác lập pháp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ngành Nội chính Đảng đã vươn lên tham mưu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng Nhà nước và pháp luật. Từ nhiệm vụ tham gia chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã vươn rộng tầm tham mưu cho Đảng về chủ trương, chính sách lớn về nội chính và phòng, chống tham nhũng, về chủ trương, định hướng xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phối hợp tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ của các cơ quan nội chính. Những kết quả, thành tích của ngành Nội chính Đảng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Nội chính Trung ương
Đồng thời, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Một số nơi, cấp uỷ đảng, chính quyền chưa chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng chưa bị đẩy lùi, tiếp tục xảy ra với những biểu hiện tinh vi, phức tạp hơn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp... trách nhiệm của ngành Nội chính Đảng trong thời gian tới là hết sức nặng nề.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, Ban Nội chính Trung ương cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cần quan tâm chuẩn bị nội dung, phục vụ tốt các phiên họp của Ban Chỉ đạo; tham mưu, đề xuất giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả, khắc phục những mặt còn khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng; như việc phát hiện, xử lý tham nhũng, giám định tư pháp... Tiến hành sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cho phù hợp.
Cần tiếp tục tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là các nội dung liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cấp uỷ, tổ chức đảng trong tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; Tham mưu triển khai thực hiện và giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng".
Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình để kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ địa phương các chủ trương, chính sách, giải pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm. Theo dõi, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ trong các cơ quan nội chính.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, ngành Nội chính cần tiếp tục kiện toàn về tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính, phải vững vàng về chính trị, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, say mê với công việc; có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái sai; giữ mình trong sạch, liêm chính; nắm vững pháp luật và các quy định của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.