Cần bảo vệ người tiêu dùng trong dịch vụ liên quan đến thông tin cá nhân

Bình Nguyên| 02/11/2022 17:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

z3849115760963_176b85273246be249a127456c8d72312.jpg

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cho rằng, đây là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau 12 năm thi hành, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn Hà Nội cho rằng, các nội dung sửa đổi lần này  trách nhiệm,  nhân văn và cập nhật những vấn đề thời đại. Trong đó, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tập trung vào nhóm người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung bảo vệ theo loại hình dịch vụ, nhất là các loại hình có đặc thù.

Ví dụ như các dịch vụ tế bào gốc có lúc hiệu quả, chất lượng dịch vụ không đúng như quảng cáo, khiến người tiêu dùng tốn hàng trăm triệu đồng mà kết quả không đi đến đâu. Hay vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong việc bí mật thông tin cá nhân, quyền riêng tư khi đưa ra thông tin liên quan đến bệnh tật như đình chỉ thai nghén, hiến mô tạng...;

Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn Hà Nội cho biết, chúng ta luôn nói đến khái niệm “người tiêu dùng thông minh”, song trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được sản phẩm mình mua và sử dụng có độc hại hay không vì phải qua kiểm định. Vì thế, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong quản lý chất lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay.

Đại biểu Lại Thế Nguyên- Đoàn Thanh Hóa nhận định, dự thảo Luật quy định người tiêu dùng là cá nhân là đúng nhưng chưa đầy đủ, cần bổ sung khái niệm người tiêu dùng gồm cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì các tổ chức cũng phải mua hàng hóa để tiêu dùng cho tổ chức.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng ngoài đảm bảo sự bình đẳng còn phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện vì đây là bản chất của giao dịch dân sự; về quyền của người tiêu dùng, cần bổ sung quyền “được sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt nhất theo thỏa thuận giao dịch”, để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc- Đoàn Hòa Bình đồng tình với việc cần sửa Luật để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử; nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời...

Đại biểu đồng tình với việc bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng gồm “hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” vì thời gian qua, rất nhiều thành viên của các tổ chức xã hội đã tham gia vào quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa, số lượng thành viên các tổ chức ngày càng tăng, chính vì vậy, việc bổ sung vào phạm điều chỉnh và đối tượng áp dụng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho các tổ chức xã hội được chính thức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có các thành viên của tổ chức mình.

“Việc quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức (pháp nhân) sẽ khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân vì không phải lúc nào pháp nhân cũng là chủ thể đủ khả năng để đối mặt được với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh và hậu quả là nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị.

Về quyền của người tiêu dùng được “yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn….”, đại biểu cho rằng, hiện nay, nhiều giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng internet, nhiều hàng hóa từ trên mạng so với thực tế rất khác nhau, nhiều người mua nhận những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận, không đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã nhưng vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên có quy định chặt chẽ, chi tiết vấn đề này.

z3849115753882_5888a54b0438edb1b4a0dd3b8c3a8e5a.jpg

Đại biểu Phạm Đức Ấn- Đoàn Hà Nội đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm khi được đưa ra thị trường, đảm bảo sản phẩm khi lưu thông là an toàn. Đồng thời, phải quy trách nhiệm, buộc gỡ khỏi mạng internet các quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng nhầm lẫn...

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ- Đoàn Hà Nội, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu xoay quanh 3 đối tượng là người tiêu dùng, người sản xuất và người phân phối. Nhưng các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, xử lý chưa sâu, chưa rõ, nên luật khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quyền được tư vấn của người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người yếu thế, người dễ bị tổn thương; quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất và phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời cần có quy định về vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ban mặt trận của tổ dân phố trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng….

Trao đổi, làm rõ về tính khả thi của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất là các quy định mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên- Đoàn Hải Phòng cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản luật khác nhau, như Bộ luật Dân sự, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa…. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo hướng xác định rõ dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí, yếu thế của người tiêu dùng.

Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải kết hợp đồng từ xa; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số… Cùng với đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo vệ người tiêu dùng trong dịch vụ liên quan đến thông tin cá nhân