Tại hội nghị chuyên đề về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm ngày 16/12, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung Ương Đảng, Chánh án TANDTC đã có kết luận quan trọng về một số nội dung liên quan.
Số lượng vụ việc phải giải quyết tăng 100%
Trong phần chính hội nghị, Báo cáo về thực tiễn thi hành pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ông Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán cao cấp, Chánh Văn phòng TANDTC cho biết: Trong 3 năm từ 2016-2019, số lượng các loại vụ việc được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình 50.000 vụ/năm. Đặc biệt, năm 2019, số lượng vụ việc tăng gần gấp 2 lần so với 2016. Từ 2015-2016, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và Tòa cấp cao giải quyết 65.910 đơn/vụ; đã giải quyết được 26.865 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 40,74%.
Chánh án TANDTC đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này, như: Chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để hạn chế nguyên nhân phát sinh đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại và đề cao trách nhiệm của các Tòa án trong việc phát hiện và kiến nghị về các sai lầm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết các vụ án…Đặc biệt, việc xây dựng Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã nâng cao tỷ lệ các vụ án được hòa giải thành, đối thoại thành và đây là một giải pháp căn cơ, góp phần hạn chế ngay từ đầu việc phát sinh các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã từng bước đi vào nề nếp, chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được nâng lên, kịp thời phát hiện và khắc phục được những sai sót của các Tòa án.
Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại hội nghị
Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, kết quả vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: trong hai năm 2013-2014, TAND các cấp đã có nhiều cố gắng để giải quyết và đạt tỷ lệ trên 60%. Từ 2015 đến nay do việc chuyển đổi mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án và quy định đối với việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nên tỷ lệ giải quyết không đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Quốc hội đề ra.
Theo ông Ngô Tiến Hùng, từ năm 2013 đến nay, với số lượng nhân lực hiện có, mỗi năm Tòa án các cấp chỉ giải quyết được trung bình trên 7.100 vụ, trong khi số lượng đơn đề nghị tăng cao, năm 2018 tăng khoảng 4.500 vụ/đơn so với 2013 và tiếp tục có xu hướng tăng, nên việc duy trì tỷ lệ giải quyết 60% như Quốc hội đề ra khó khả thi trong giai đoạn hiện nay. Các Tòa án cũng đã chú trọng nhiều giải pháp để thực hiện quyết liệt, song do số lượng phải giải quyết rất lớn và ngày càng tăng nên số đơn chưa giải quyết vẫn còn nhiều…
Chánh Văn phòng TANDTC Ngô Tiến Hùng trình bày báo cáo tại hội nghị
Trước thực trạng đó, Báo cáo cũng đã có những đề xuất kiến nghị sửa đổi một số Luật liên quan. Theo đó, phải sửa đổi Luật tổ chức TAND năm 2014 theo hướng: quy định Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện; giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh.
Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 về nghĩa vụ phát hiện kịp thời sai lầm của bản án, quyết định giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật, nghĩa vụ báo cáo đề nghị kháng nghị, nghĩa vụ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để ràng buộc nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần phải luôn quan tâm đến công tác kháng nghị giám đốc thẩm để có những biện pháp hữu hiệu, kịp thời xử lý những sai lầm của bản án, quyết định giải quyết vụ án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Về BLHS, Bộ luật TTHS năm 2015, cần hiện thực hóa nguyên tắc tranh tụng vào thủ tục giám đốc thẩm theo hướng quy định phiên tòa giám đốc thẩm cần phải có sự tham gia của người bị kết án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Bổ sung quy định tại Điều 381 Bộ luật TTHS 2015 trường hợp rút kháng nghị không đúng pháp luật theo hướng: Nếu VKS kháng nghị, mà trước khi xét xử giám đốc thẩm người kháng nghị rút kháng nghị, thì Chánh án Tòa án xét xử giám đốc thẩm ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và có văn bản kiến nghị lên Viện trưởng (nếu người rút kháng nghị là Phó Viện trưởng). Nếu Viện trưởng kháng nghị mà rút kháng nghị, thì kiến nghị lên Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Khi có văn bản trả lời việc nhất trí rút kháng nghị, thì Chánh án ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu tại phiên tòa mà Kiểm sát viên (không phải là người ban hành kháng nghị) rút kháng nghị, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị lên Viện trưởng VKS sát cùng cấp xem xét giải quyết. Nếu có văn bản trả lời việc nhất trí rút kháng nghị, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ vụ án; Kiến nghị bổ sung quy định về việc thu lệ phí khi đương sự nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm để hạn chế số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm hiện đang ngày càng gia tăng…
Phải ban hành Nghị quyết và Chỉ thị hướng dẫn
Chánh Văn phòng TANDTC Ngô Tiến Hùng cũng cho biết, một số Tòa án đề nghị TANDTC có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thống nhất thực hiện trong trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm “Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” thì vận dụng Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành phù hợp với nội dung quyết định mới và kết quả giải quyết hậu quả của việc thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 347 Bộ luật TTDS.
Ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc TANDTC, các TAND cấp cao đẩy nhanh tiến độ xem xét giải quyết đơn đề nghị kháng nghị, ưu tiên giải quyết sớm đối với vụ việc phức tạp, các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt, phải quan tâm đến việc xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, công chức công tác tại các Vụ giám đốc kiểm tra TANDTC gắn liền với các chế độ, chính sách, tiền lương để phù hợp với đặc thù công việc….
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe đại diện các Vụ chuyên môn của TANDTC, các Tòa án cấp cao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trình bày tham luận về những vấn đề nêu trên.
Kết luận hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá, buổi làm việc tích cực, khẩn trương, với tinh thần nghiêm túc đã hoàn thành tất cả các nội dung theo đúng kế hoạch đề ra.
Chánh án nhận định, giám đốc thẩm được xem là hi vọng, cơ hội cuối cùng của người dân nên yêu cầu đặt ra với Tòa án là làm tốt, làm đúng và tỷ lệ giải quyết cao các đơn đề nghị, vì đó là công lý. Thời gian vừa qua, chúng ta đã làm tốt công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế bất cập cần phải khắc phục.
Một trong những biện pháp căn cơ là phải nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Những gì thuộc về khiếm khuyết từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm cần phải khắc phục; Những tiêu cực (nếu có) trong kháng nghị giám đốc thẩm cũng phải có biện pháp mạnh tay xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Quang cảnh hội nghị
Về đề nghị của Tòa án các cấp, Chánh án cho biết sẽ ghi nhận các kiến nghị đề xuất này. Luật của chúng ta hiện nay đang làm cho tình hình giám đốc thẩm ngày càng nhiều thêm và dồn lên đến cấp cuối cùng- cấp tối cao. Việc xét xử của Tòa án đang có nguy cơ trở thành 4 cấp chứ không phải hai cấp theo quy định hiện hành, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Hàng năm, chỉ riêng các Tòa cấp cao và TANDTC phải giải quyết 16.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm. Và trong 16.000 đơn đó chúng ta giải quyết chưa được 60%, nên việc sửa Luật như trong báo cáo nêu và đề xuất của các đơn vị là cần thiết.
Chánh án cũng yêu cầu, Văn phòng TANDTC trên cơ sở ý kiến của các địa phương, những đóng góp của đại biểu, tổng hợp lại những điểm hạn chế như, chất lượng kháng nghị của VKS, của Tòa cấp cao… để phổ biến trong hội nghị tổng kết ngành tới đây.
Những gì là khiếm khuyết cần phải được nêu ra hết để rút kinh nghiệm. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC nghiên cứu chuẩn bị 01 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn về kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm; tham mưu xây dựng Chỉ thị của Chánh án TANDTC quy định về tất cả những vấn đề liên quan.