Năm học mới 2020 – 2021 đã bắt đầu gần một tháng, song vẫn còn không ít phụ huynh bức xúc và không đồng tình với việc phải bỏ ra một số tiền lớn hơn hẳn mọi năm, để mua bộ sách giáo khoa gồm nhiều cuốn sách...
Tranh minh họa của ĐAN
Sau khi xem xét kỹ, nhiều phụ huynh nhận thấy trong những cuốn sách đã mua, có rất nhiều cuốn không nằm trong bộ sách giáo khoa, mà chỉ là được dùng để “bổ trợ, tham khảo” cho học sinh. Điều đáng nói hơn nhiều cuốn trong những sách bổ trợ, tham khảo đó có nội dung không phù hợp với những kiến thức mà học sinh cần phải tiếp thu trong năm học. Có thể nói rõ rằng việc mua những cuốn sách này là không cần thiết và gây lãng phí, tốn kém cho phụ huynh một cách vô ích.
Nhớ lại những năm trước đây còn khó khăn, bao nhiêu thế hệ học sinh đã phải đi học trong tình trạng thiếu thốn sách vở. Thời kỳ đó có rất nhiều gia đình có nhiều con, nhưng cả nhà chỉ có một bộ sách giáo khoa cũ kỹ duy nhất. Các anh chị lớn học hết năm, lên lớp, lại truyền cho các em sau học tiếp.
Có những cuốn sách giáo khoa đã rách nát, long gáy sờn mép, vẫn được học sinh nâng niu, yêu quý, lấy giấy báo bọc lại thật cẩn thận để học. Rồi có những đợt quyên góp sách giáo khoa, những cuốn sách giáo khoa cũ kỹ ấy lại được nâng niu, truyền tay nhau cho biết bao nhiêu thế hệ học sinh.
Ấy thế nhưng các em vẫn cố gắng vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, học hành rất chăm chỉ, giỏi giang. Trong khó khăn vẫn sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức, những nhà khoa học, giáo sư tiến sỹ, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, làm rạng rỡ, vẻ vang cho quê hương, đất nước...
Thế mới biết, để học giỏi không nhất thiết phải cần có những bộ sách giáo khoa thật đồ sộ, tốn kém.
Trở lại vấn đề về sách giáo khoa mới. Chiều ngày 23/9, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận về việc phải tách bạch, phân định rõ sách tham khảo và sách giáo khoa.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng “có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo”, ông đề nghị cấm tất cả loại sách này ở bậc tiểu học.
GS Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng, ở nhiều quốc gia, chỉ có giáo viên mới cần nghiên cứu các loại sách tham khảo để giảng dạy cho phong phú chứ không phải học sinh cần loại sách này. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với ý các kiến trên.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Đối với sách tham khảo, Bộ GD&ĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm sách tham khảo trong trường học mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học.
“Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ GD&ĐT đã cam kết sẽ có những giải pháp không để xảy ra tình trạng như vừa qua. Bộ cũng sẽ khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin, cho phép từng học sinh đăng ký mua sách giáo khoa qua mạng, nơi nào chưa có mạng thì hệ thống bưu điện sẽ thống kê giúp các nhà xuất bản nắm được đầy đủ nhu cầu để chuẩn bị, sau đó chuyển trực tiếp đến tận tay học sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống này cũng sẽ cho phép học sinh đăng ký nhận sách cũ, học lại, để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí.
Hy vọng rằng những thông điệp quyết liệt trên sẽ được thực hiện đầy đủ, góp phần khắc phục tình trạng "loạn sách", để học sinh và cả phụ huynh yên tâm về một năm học sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.