Ngày 19/5/2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Một trong những vấn đề mà Nghị quyết đã nêu, đó là nạn chạy chức, chạy quyền. Nghị quyết 26-NQ/TW nêu rõ: “Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hoá không chạy chức, chạy quyền”.
Những hiện tượng suy thoái, tiêu cực của cán bộ đảng viên đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện và đưa ra cảnh báo từ rất sớm. Chỉ sau hơn một tháng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho UBND các cấp và chỉ ra những tiêu cực, hạn chế đang manh nha xuất hiện. Bác khẳng định, Nhà nước cách mạng là nhà nước phục vụ dân, việc gì có lợi cho dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh.
Năm 1947, Bác đã viết tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc. Trong tác phẩm này lần đầu tiên Bác dùng chữ chỉnh đốn Ðảng. Trong công cuộc chỉnh đốn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ sâu sắc về công tác cán bộ. Bác nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém.
Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển cũng bắt đầu nảy sinh hiện tượng tiêu cực. Nhiều người có chức vụ đã lạm quyền, tự cho mình các quyền để thao túng công tác cán bộ, vật chất, cũng như nhiều tiêu cực khác…
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng việc chạy chức, chạy quyền không chỉ làm tha hóa đội ngũ cán bộ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng. Bởi như Bác Hồ đã từng nói “Đảng không phải là nơi để thăng quan phát tài”. Tất cả các cán bộ đảng viên phải theo lý tưởng đó.
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, từ khóa VII trở về trước, trong Đảng chủ yếu nói về các tiêu cực, tham nhũng, vi phạm, chứ rất ít có tình trạng chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, gần đây do tác động của kinh tế thị trường, sự hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, tại Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, nêu rõ tình trạng “chạy”, trong đó có nạn “chạy chức”, “chạy quyền”… Những đại hội gần đây, Đảng cũng thẳng thắn nêu ra tình trạng chạy chức, chạy quyền và đề ra giải pháp chấn chỉnh.
Theo ông Phúc, đây là lĩnh vực đụng đến con người nên vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có lý, có tình, có đầy đủ bằng chứng… Đến khi có Nghị quyết T.Ư khóa XI, nhất là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII thì việc xử lý và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm người nhà, người thân mới quyết liệt và hiệu quả hơn. Bằng chứng là hàng loạt các vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra và làm rõ, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm như ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi dự hội nghị về công tác tổ chức xây dựng Đảng đã nói: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của ban tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Nếu “chốt” rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu “chốt” bị mọt hoặc trục trặc thì tình hình sẽ rất khó lường”.
Việc Đảng làm nghiêm, chống tình trạng chạy chức, chạy quyền sẽ đem lại niềm tin trong nhân dân. Từ đó, hình thành nên “văn hoá không chạy chức, chạy quyền”.