Cái giá phải trả của bọn buôn người

Đức Bảo| 22/11/2018 08:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ vì không thắng được sức cám dỗ của đồng tiền, đã có nhiều kẻ đang tâm lừa bán bạn bè, hàng xóm thậm chí là cả người thân của mình sang biên giới. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, sớm muộn chúng cũng phải sa vào vòng lao lý.

Bán cả bạn thân

Do đặc điểm tự nhiên về địa lý của nước ta, các đối tượng thường lợi dụng địa hình đồi núi, sông suối, các đường mòn hoặc qua quan hệ quen biết đã thực hiện nhiều vụ lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Đặc biệt ở các tỉnh như Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn… tình trạng buôn bán người luôn ở mức báo động, bởi ở đó tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Không ít nạn nhân chỉ vì nhẹ dạ, cả tin mà sập bẫy của bọn buôn người, trở thành món hàng, thành “vợ bất đắc dĩ” cho người nước ngoài hoặc làm gái mại dâm trong các nhà chứa.

Các đối tượng phạm tội đã tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng ở khu vực biên giới, các đối tượng từ các tỉnh nội địa. Với những thủ đoạn như: Lợi dụng lòng tin, tình cảm yêu đương, hoàn cảnh khó khăn, tâm lý ham làm giàu, sự kém hiểu biết về pháp luật…các đối tượng tội phạm đã dụ dỗ, lừa gạt đưa đi thăm gia đình, đi chơi, đi sinh nhật… sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân đến khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc mang đi.

Chỉ vì không thắng được sức cám dỗ của đồng tiền, có nhiều kẻ đang tâm lừa bán hàng xóm thậm chí là bạn bè của mình sang biên giới, như trường hợp Hoàng Xuân Tân (SN 1981, quê Hưng Yên). Tân có bạn thân là Lê Thị Kim Dung (SN 1996), trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Vào khoảng giữa tháng 3/2017, Dung nhờ Tân đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông bên đó lấy làm vợ. Tân đồng ý. Sau đó, Dung rủ thêm hai bạn của mình là chị Vũ Thị Kim Chinh (SN 1999, trú xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) và H’Wĩn Êban (SN 2001, trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cùng đi. Bàn bạc với H’Wĩn và Chinh xong, Dung liên lạc với Tân, nói Chinh và H’Wĩn cùng đi thì được Tân đồng ý. Tân hứa mọi chi phí ăn uống, đi lại sẽ do hắn lo hết.

Cái giá phải trả của bọn buôn người

Bán bạn, Tân phải trả giá bằng bản án 21 năm tù

Sau đó, Tân liên hệ với một người phụ nữ tên Lan (chưa xác định được nhân thân lai lịch ở Trung Quốc) nói có ba người phụ nữ Việt Nam muốn sang Trung Quốc lấy chồng. Đến sáng 17/3/2017, Dung đưa Chinh và H’Wĩn đến bến xe liên tỉnh Đắc Lắc đón xe ra Hà Nội gặp Tân. Từ Hà Nội, Tân lại đưa ba người phụ nữ này đến tỉnh Hưng Yên, rồi bắt xe đi Lạng Sơn. Tại đây, Tân liên hệ với Nguyễn Ngọc Thúy (SN 1988, trú xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) rủ sang Trung Quốc với Tân thì được người này đồng ý.

Trước khi đi, Thúy cùng một người phụ nữ tên Hiền (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi bắt xe ô tô lên Lạng Sơn. Sau khi gặp nhau, Tân đưa mọi người thông qua đường tiểu ngạch vượt biên đến tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đến nơi, Hiền đi đâu không rõ, còn Tân và những người còn lại ở tại phòng trọ do Tân thuê. Sau đó, Tân nói Thúy lần lượt đưa Dung và Chinh đến nhà bà mối tên Lan để bán cho đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ bất hợp pháp. Riêng H’Wĩn, Tân và Thúy cùng dẫn đi.

Sau khi bán ba người phụ nữ nói trên, Tân được bà Lan đưa cho tổng cộng 165 triệu đồng, trong đó, Tân đưa lại cho mỗi người phụ nữ bị bán 30 triệu đồng, Tân được hưởng 21 triệu đồng, số còn lại là chi phí đi lại và đưa người từ Việt Nam sang Trung Quốc. Khi trở về Việt Nam, Tân đưa cho Thúy 1,6 triệu đồng. Sau khi bị bán khoảng một tháng, Dung và H’Wĩn bỏ trốn thì được Tân đón về Việt Nam. Về tới nơi, Tân đưa cho H’Wĩn 30 triệu đồng, Dung 10 triệu đồng và gửi cho mẹ của Chinh 10 triệu đồng.

Cái giá phải trả của bọn buôn người

Vì tiền, Ngọc bán cả hai người bạn gần nhà

Đến ngày 9/5/2017, Dung nhận thêm 15 triệu đồng từ Tân để đến đưa cho mẹ của Chinh thì bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện. Ngay sau đó, Hoàng Xuân Tân cũng bị bắt và bị TAND tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử vào ngày 1/10/2018 vừa qua. Với hai tội danh “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em”, Tân bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 21 năm tù.

Lừa bán cả chục người

Theo số liệu của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng từ năm 2011 -  2017, tại Việt Nam, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý đối với 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người; trung bình một năm có 900 người bị mua bán, tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước. Đối tượng bị mua bán không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có gần 50 trường hợp là nam giới, 90% số vụ mua bán người là để đưa ra nước ngoài và tập trung ở các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc (70%), còn lại là tuyến biên giới Lào, Campuchia và một số trường hợp ra nước ngoài qua cửa khẩu sân bay.

Còn tính từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, toàn quốc đã phát hiện 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, 2.319 nạn nhân, tăng 7% số nạn nhân so với giai đoạn 2011-2015 (là 2.200 người). Như vậy ước tính trung bình mỗi năm, trên phạm vi cả nước có khoảng 1.000 người là nạn nhân của mua bán người. Tuy nhiên, đây chỉ mới là phần nổi của “tảng băng chìm”, con số thực tế lớn hơn nhiều, tình trạng mua bán người trên thế giới và khu vực ngày càng trở nên phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lừa ép bán hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê, bán nội tạng…

Cái giá phải trả của bọn buôn người

 Bộ đội biên phòng bắt giữ tội phạm mua bán người

Đáng chú ý, trong số những đối tượng phạm tội có rất nhiều người từng là nạn nhân bị bán hoặc tự nguyện sang Trung Quốc lấy chồng, khi quay lại Việt Nam thăm lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa người khác. Cứ thế, nỗi đau nối dài ra mãi. Như trường hợp Trần Thị Xen, 33 tuổi, quê ở Lào Cai. Xen lấy chồng và sinh sống ở huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cuối năm 2017, khi Xen về Việt Nam thì gặp Phạm Thanh Sang (32 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) ở khu vực biên giới. Sau vài lần trò chuyện, cả hai người dần trở nên thân thiết và bàn bạc tính kế làm ăn. Xen bảo muốn có tiền nhanh nhất chỉ có về miền Tây tìm các cô gái đưa sang Trung Quốc bán cho các chủ chứa mại dâm. Sang lo tìm nguồn “hàng”, Xen lo “tiêu thụ”. Mỗi trường hợp trót lọt, Sang sẽ được trả công 5 triệu đồng. Toàn bộ chi phí đi lại Xen lo.

Trở về Đồng Tháp, Sang lấy lý do cần tìm người ra Hà Nội làm massage với thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng để dụ dỗ các nạn nhân. Từ cuối năm 2014 đến tháng 4/2017, Sang đã lừa bán 11 cô gái (trong đó có một nạn nhân dưới 16 tuổi), nhưng Xen chỉ tiếp nhận 9 người và trả cho Sang 77 triệu đồng.

Sau khi tiếp nhận 9 cô gái, Xen đã giao cho các chủ chứa mại dâm ở Trung Quốc, hưởng lợi 297 triệu đồng. Ngoài hành vi trên, cả hai còn dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần, buộc gia đình 2 nạn nhân phải đưa 100 triệu đồng thì con của họ mới có cơ hội về được Việt Nam. Giữa năm 2017, Cảnh sát vào cuộc điều tra, bắt giữ Xen và Sang. Ngày 4/6/2018, TAND tỉnh Đồng Tháp đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Trần Thị Xen 12 năm tù, Phạm Thanh Sang 10 năm tù.

Bài học cảnh tỉnh

Cũng giống như Xen, từ Trung Quốc trở về, Lô Thị Ngọc (SN 1984, trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã lừa hai người bạn cùng xã là Nguyễn Thị L và Lữ Thị M mang sang Trung Quốc bán. Cụ thể, cách đây khoảng chục năm, do chồng đã mất nên Ngọc gửi con cho bố mẹ rồi sang Trung Quốc. Bẵng đi một thời gian, đến đầu tháng 10/2013, Ngọc trở về Việt Nam thăm gia đình. Khi về đến nhà, Ngọc bảo L và M là nếu muốn sang Trung Quốc lấy chồng, Ngọc sẽ giúp và cho thêm mỗi người 60 triệu đồng.

Thấy L và M đồng ý, Ngọc liền gọi cho Lương Thị Hiền đang sinh sống ở Trung Quốc để trao đổi. Hiền bảo nếu Ngọc đưa 2 cô gái ra Móng Cái, Quảng Ninh thì Hiền sẽ trả tiền công cho Ngọc 20 triệu đồng mỗi người. Ngọc đồng ý. Khoảng 10 ngày sau, Ngọc nhờ em trai là Lô Văn Hà đưa 2 cô gái xuống Vinh và đón xe đi Móng Cái. Khi đến Móng Cái thì Hiền đến đón và đưa 2 cô gái sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Sau đó, Hiền đã bán L và M cho 2 người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ với giá 210 triệu đồng/người. Tháng 4/2017, L trốn được về Việt Nam và làm đơn tố cáo. Ít lâu sau, Lô Thị Ngọc bị bắt. Với hành vi phạm tội của mình, Ngọc bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 4 năm tù. Còn đối với Lô Văn Hà, em trai của Ngọc, có hành vi đưa L và M ra Quảng Ninh để giao cho Lương Thị Hiền, nhưng Hà không biết mục đích của Ngọc và cũng không được hưởng lợi từ việc bán L và M nên không phải chịu trách nhiệm hình sự...

Không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà tội phạm mua bán người còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước. Thế nên trong những năm gần đây, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương đã chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn mua bán người. Hy vọng rằng, với việc kịp thời đưa ra xét xử các vụ mua bán người của Tòa án các cấp trong thời gian vừa qua sẽ góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái giá phải trả của bọn buôn người