Cái duyên “nghề chọn người” của thủ khoa Bách khoa Hà Nội

Ngô Chuyên| 08/09/2021 15:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi quyết định chọn trường để theo đuổi ước mơ của mình, Bách khoa Hà Nội không là sự lựa chọn đầu tiên của Linh. Thế nhưng, cơ duyên đã giúp Linh trở thành một thành viên nhỏ trong đại gia đình Bách khoa và viết nên câu chuyện đẹp cho những chuỗi ngày sinh viên của mình.

linh-4.jpg

Choáng ngợp trước khối lượng kiến thức phải học

Nguyễn Văn Linh vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba anh em. Anh trai Linh học đến lớp 11 đã nghỉ. Bởi vậy ngay từ nhỏ Linh đã tự ý thức được việc học quan trọng như thế nào để thay đổi cuộc đời của mình, thoát khỏi cảnh làm nông, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như bố mẹ.

Từ động lực đó, Linh có thể ngồi hàng giờ bên bàn để học mà không biết chán, Linh cũng rèn luyện cho mình khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Dẫu vậy nhưng đến khi vào đại học Linh vẫn không khỏi choáng ngợp trước sự thay đổi môi trường học, cách tiếp cận kiến thức. Linh nói: “Ngay từ lúc còn học phổ thông em đã có thói quen tự học, tuy nhiên khi lên đại học em vẫn bị choáng ngợp vì khối lượng kiến thức quá nhiều trong một kỳ. Thế rồi, để lấy lại động lực, khắc phục những khó khăn, ngoài việc học trên giảng đường em lên kế hoạch tự học ở nhà”.

linh-2(1).jpg
Nguyễn Văn Linh vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba anh em.

Bên cạnh đó, Linh đã cùng một số bạn thành lập nhóm tự học nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong những vấn đề không hiểu.

Linh cũng chia sẻ thêm, ai là sinh viên Bách khoa điều hiểu học Bách Khoa là học thật thi thật, nếu không học chỉ có trượt môn, thi lại, học lại thậm chí là không ra được trường.

“Cũng chính vì vậy giúp em tự tạo áp lực cho bản thân ngay từ sinh viên năm đầu là phải học và đặt ra các mục tiêu cụ thể để hoàn thành các môn một cách tốt nhất”, Linh nói.

Đối với các môn đại cương Linh đi học và ghi chép đầy đủ, lưu ý lại các phần quan trọng thầy cô nhấn mạnh. Khi về đến nhà ôn lại luôn các kiến thức đã học và lưu lại những vấn đề không hiểu để tiết học sắp tới sẽ hỏi thầy cô.

“Đặc biệt là phải luôn hoàn thành các bài tập về nhà, đồng thời tìm các đề thi của các năm trước để làm”, Linh nhấn mạnh.

linh-3.jpg

Đối với các môn học chuyên ngành: Ngoài đi học và ghi chép đầy đủ các kiến thức. Khi về đến nhà là phải bỏ ra đọc luôn. “Luôn hoàn thành các bài tập về nhà, đọc thêm các sách chuyên ngành mà thầy cô có phổ biến trong những tiết đầu. Những phần nào chưa hiểu của tiết trước phải hỏi thầy cô ngay buổi học sau”, Linh nói.

Từ hoang mang trở thành thủ khoa đầu ra

Trò chuyện với Linh, chàng trai chia sẻ: “Lúc đăng ký nguyện vọng em đã định hướng trước cho mình sẽ đăng ký vào hai trường là Đại Học Dược Hà Nội và Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên, lựa chọn mà em ưu tiên hơn là Đại Học Dược Hà Nội, nhưng trớ trêu thay em đã thiếu 0,35 điểm. Lúc đầu cũng buồn lắm, nhưng sau em nghĩ chắc mình có duyên với Bách khoa hơn”.

Thế nhưng khi mới vào học ở Bách Khoa, em cũng hơi hoang mang không biết nên theo ngành nào. “Bởi số điểm của em năm đó đỗ hết các ngành của Bách khoa”, Linh nói.

Đến với Bách khoa như một cái duyên, nhưng quá trình học, trải nghiệm và sống trong không khí của con người bách khoa em đã được tiếp lửa đam mê. “Vốn em là đứa tự học, nên khi cơ hội được tiếp cận với thư viện lớn nhất Đông Nam Á, nơi có nguồn học liệu phong phú mê lắm”, Linh nói.

Bách khoa không chỉ gắn bó với Linh thư viện, phòng thí nghiệm cổng hình Parabol, con đường tình yêu, những người bạn tốt luôn giúp đỡ lẫn nhau và cùng phấn đấu trong học tập. Mà nơi đây, giúp Linh gặp được những thầy cô nhiệt tình, tâm huyết và vui tính truyền năng lượng cho sinh viên.

linh-1.jpg
Sau khi tốt nghiệp, Linh sẽ theo đuổi mảng thiết kế các hệ thống xử lý nước thải.

Linh kể: “Một cơ duyên nữa là ở Viện Khoa học và Công nghệ môi trường em gặp được thầy Nam. Thầy có tư vấn cho em về chuyên ngành đào tạo của viện, hiểu được bản chất cũng như định hướng cách học, cách nghiên cứu giúp em hiểu rõ những gì mình học sẽ có thể ứng dụng vào đầu cho cuộc sống, từ đó bản thân tự tin hơn rất nhiều”.

5 năm sống, học tập trong ngôi nhà chung của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Văn Linh - sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ môi trường đạt được 3.65 là tân kỹ sư – Thủ khoa đầu ra của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Lúc em biết là mình là thủ khoa đầu ra em thật sự rất vui, hạnh phúc vì sự nỗ lực và cố gắng của em trong 5 năm học đại học cũng đã được đền đáp một cách xứng đáng. Em liền gọi ngay cho gia đình để chia sẻ niềm vui, cả nhà em ai cũng vui mừng và xúc động”, Linh chia sẻ.

Được biết, sau khi tốt nghiệp Linh sẽ theo đuổi mảng thiết kế các hệ thống xử lý nước thải.

Các thành tích Nguyễn Văn Linh đã giành được trong 5 năm học đại học

I. Đồ án tốt nghiệp đạt loại giỏi

“Khảo sát quỹ đạo khối khí bằng mô hình HYSPLIT để ước đoán khu vực nguồn của bụi PM2.5 ở Hà Nội”

II. Về tham gia nghiên cứu khoa học

“Báo cáo hiện trạng bụi pm2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn”

III. Các giải thưởng và học bổng trong quá trình học tập

1. Học bổng khuyến khích học tập kỳ 2016

2. Được nhà trường trao tặng bằng khen “Đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc năm học 2017 – 2018”

3. Học bổng của “Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền”

4. Học bổng của “Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL)” năm học 2018 – 2019

5. Được nhà trường trao tặng bằng khen “Đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện năm học 2018 – 2019

6. Học bổng của “Tập đoàn Công nghiệp Điện Sumitomo” năm 2019

7. Học Bổng “tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ năm 2020

8. Học bổng của “công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Môi trường Dương Nhật” kỳ 2021 và 2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái duyên “nghề chọn người” của thủ khoa Bách khoa Hà Nội