Một cái chết tưởng chừng chỉ đơn giản như những vụ giết người khác, nhưng giới truyền thông và báo chí thế giới đã thổi phồng thành một vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Lúc đó là 3h15 sáng ngày 13/3/1964, Kitty Genovese – sinh ngày 07/7/1935 - một cô gái người Mỹ gốc Ý lái chiếc xe Fiat đỏ của mình vào bãi đậu xe của trạm LIRR nơi cô sinh sống.
Sau đó cô đi bộ về nhà, khoảng cách từ căn hộ của cô đến bãi đỗ xe là 30m, khi cô đi gần về phía tòa nhà, cô nghe thấy bước chân của một người đàn ông đang đi gần về phía mình. Hoảng sợ, Genovese bắt đầu chạy băng qua bãi đậu xe và hướng về phía trước tòa nhà của cô nằm ở 82-70 Austin Street.
Nhưng người đàn ông đó, cũng chạy theo cô. Hắn bắt được cô và đâm cô hai lần từ phía sau, Genovese hét lên "Ôi Chúa ơi. Cứu tôi với!" Vài người hàng xóm nghe thấy tiếng cô khóc, nhưng vào một đêm lạnh các cửa sổ đóng im ỉm, chỉ có một vài trong số họ nghe được tiếng kêu cứu của cô.
Robert Mozer, một trong những người hàng xóm nghe thấy tiêng kêu cứu của Genovese từ căn hộ của mình. Ông không thể nhìn thấy chính xác việc gì đang xảy ra. Ông chỉ cảm nhận có một cuộc ẩu đả giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.
Từ cửa sổ tầng 7, Mozer hét lên "Hãy để cô gái đó yên". Tên sát nhân sợ hãi bỏ chạy còn Genovese cố lê từng bước về phía sau của căn hộ của mình. Chính vì thế, Mozer không nhìn thấy cô nữa. Cô bị thương nặng.
Michael Hoffman, người sống trong cùng tòa nhà với Mozer, cũng nghe thấy những tiếng bạo động. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ và nói với cha mình, ông Samuel, những gì anh nhìn thấy.
Ông Samuel gọi cho cảnh sát nói rằng, có một người người phụ nữ bị đánh đập dã man và đang đi lảo đảo vì có vẻ như bị thương nặng. Đồng thời, ông chỉ cho cảnh sát vị trí của tòa nhà.
Một vài người đã nhìn thấy vụ xô sát giữa tên sát nhân và cô gái trẻ
Nhưng cảnh sát không quan tâm nhiều tới cuộc gọi Samuel Hoffman.
Khi không thấy có sự giúp đỡ nào, kẻ sát nhân lại tiếp tục săn lùng Genovese. Lúc này, Genovese đến đã được hành lang trong tòa nhà của mình. Tên sát nhân máu lạnh chạy tới, tiếp tục đâm cô nhiều nhát. Kinh hoàng hơn, sau đó hắn hãm hiếp cô, khi cô gần như đã chết.
Rất may lúc đó, một phụ nữ tên là Sophie Farrar vô tình đi ở tiền sảnh và nhìn thấy sự việc. Cô lao ra ôm lấy Genovese, người đẫm máu đang đấu tranh cho hơi thở cuối cùng.. Còn kẻ tấn công vội vàng bỏ chạy.
Ngay lập tức, Farrar và một số người nhanh chóng đưa Genovese đi cấp cứu, nhưng cô đã không qua khỏi.
6 ngày sau cái chết của Genovese, Winston Moseley ngụ tại South Ozone Park, Queens, sinh ngày 2/3/1935, bị bắt giữ trong một vụ trộm. Tại thời điểm đó hắn 29 tuổi.
Trong thời gian bị giam giữ, Moseley thú nhận đã giết chết Genovese. Hắn trình bày lại chi tiết cuộc tấn công. Hắn nói đơn giản chỉ là "để giết một người phụ nữ". Giải thích cho sở thích này, Moseley nói hắn thích giết phụ nữ bởi vì: "giết họ dễ dàng hơn và họ không đánh trả".
Moseley kể lại, hôm đó, hắn ta thức dậy vào khoảng 2h sáng, để vợ của mình đang ngủ ở nhà, và lái xe xung quanh để tìm một nạn nhân. Hắn gặp Genovese và theo cô đến bãi đậu xe. Hắn cũng thú nhận đã giết và tấn công tình dục hai phụ nữ khác và thực hiện khoảng 30 - 40 vụ trộm cắp.
Báo giới quốc tế đưa tin 37 người hàng xóm nhìn thấy cuộc tấn công nhưng không gọi cho cảnh sát
Thứ Hai ngày 15/6/1964, Moseley bị kết án tử hình trong tiếng reo hò của mọi người, còn Moseley dường như không có cảm xúc. Sau khi tuyên án, Thẩm phán Shapiro nói thêm, "Tôi không tin vào bản án tử hình, nhưng khi tôi nhìn thấy con quái vật này, thì tôi nghĩ điều đó là thich đáng.”
Ngày 01/6/1967, Tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy tại phiên tòa tuyên án, Moseley có vấn đề về tâm lý. Luật sư của Moseley thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng Moseley bị “tâm thần phân liệt” và bản án tử hình ban đầu được giảm xuống tù chung thân suốt đời.
Một vài tuần sau đó, cái chết của Kitty Genovese đã trở thành huyền thoại. Khi “The New York Times” báo cáo nhầm rằng, 37 người hàng xóm nhìn thấy cuộc tấn công và theo dõi nó diễn ra mà không hề giúp đỡ người bị nạn.
Bất chấp mọi nỗ lực của những người hàng xóm, nhiều người hoàn toàn không biết rằng có một cuộc tấn công hoặc giết người được tiến hành. Một số thì suy nghĩ có thể là một cuộc cãi vã giữa hai người đang yêu nhau hay một cuộc ẩu đả khi say rượu…
Chân dung kẻ sát nhân mà Thẩm phán Shapiro gọi là "con quái vật"
Câu chuyện cứ thế lan rộng ra khắp thế giới, chạy trên các tờ báo của Nga và Nhật Bản đến Trung Đông. Thành phố New York trở thành nổi tiếng như một thành phố đầy những người thiếu suy nghĩ, những người không quan tâm đến người khác, nơi mọi người có thể xem hàng xóm của họ bị đâm trên đường phố mà không có sự giúp đỡ nào, để cho họ chết trong chính vũng máu của mình.
Trước đó, khu Kew Gardens một khu phố khá tự do, nơi ít tội phạm gây phiền nhiễu thì nay, được giới thiệu trên báo chí như những con quái vật.
Nhắc đến Genovese là nhắc tới chuẩn mực đạo đức bị suy giảm trong xã hội thượng lưu. Đây là một trong những thập kỷ đen tối nhất của lịch sử thành phố New York.