Chính trị

Cải cách, đổi mới thể chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”  vì lợi ích chung

L.P.L 12/06/2023 17:31

Để đất nước phát triển nhanh và bền vững theo phương hướng, mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải xác lập hành lang pháp lý với những cơ chế, quy định để bảo vệ và khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên tâm huyết, thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Trung tướng Lưu Phước Lượng, Nguyên Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ có bài viết gửi tới Báo Công lý chia sẻ suy ngẫm của ông về vấn đề này. 

Vấn đề dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách (“6 dám” ), vì lợi ích chung, đã được nói nhiều trong suốt mấy năm nay.

Trên các phương tiện truyền thông đã phát đi những thông điệp từ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương đến các học giả, các chuyên gia… cùng đông đảo những tiếng nói từ các tầng lớp nhân dân về hiện tượng “ sợ sai”, “ sợ trách nhiệm” …

1670586924660-1670626138250.jpg

Vấn đề này không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ án, đại án đã và đang được điều tra, xét xử. “Sợ sai “, “sợ trách nhiệm”… hoàn toàn trái ngược với phẩm chất “6 dám”, một đòi hỏi khách quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tình trạng “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy né tránh cái gì cũng dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán, dù biết rằng là trách nhiệm của mình, là hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ở mức độ thấp là những người muốn được yên thân; mức độ cao hơn, phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, trải qua nhiều cương vị nhưng đã “nhúng chàm” với nhiều “tai tiếng”, chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Không dám làm, không dám nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng… nhằm che giấu dấu vết sai phạm để “hạ cánh an toàn”…

Ở một đối tượng khác, những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền “ngồi không đúng chỗ”, không thể thực thi công việc được giao.

Điều đáng quan tâm là những người tâm huyết vì nước, vì dân có bản lĩnh chính trị, nhận thức và hành vi đúng, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn kiên định đổi mới và sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu vì lợi ích chung. Với đối tượng này, nếu không tạo điều kiện để thực hiện “ 6 dám” thì đổi mới, sáng tạo vẫn là khẩu hiệu. Làm theo những quy định, cơ chế đã có thì những vấn đề mới chưa có tiền lệ. Việc chưa có cơ chế và quy định phù hợp vẫn là rào cản cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Với những cơ chế, chính sách còn chưa hoàn chỉnh và phù hợp, chưa theo kịp xu thế đổi mới và sáng tạo mà thực tiễn đang đòi hỏi trên mọi lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm thì tâm lý “ sợ sai “, “ sợ trách nhiệm”… là thực trạng đáng quan tâm. Cần tập trung tháo gỡ bằng những giải pháp căn cơ, quyết liệt nhằm tạo điều kiện cho những người tâm huyết, đặc biệt là người đứng đầu phát huy được phẩm chất “6 dám” trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đảng và Nhà nước cần xác định và xác lập hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên có điều kiện phát huy dũng khí cùng nội lực nhằm giải toả tâm lý “ sợ sai”, “ sợ trách nhiệm” … trong thực thi công vụ.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14/KL và mới đây Bộ Nội vụ đang soạn thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… vì lợi ích chung. Đây là bước khởi đầu đáng trân trọng, song thực tiễn cuộc sống đang đặt ra những đòi hỏi cao hơn, quyết liệt hơn, căn cơ hơn bằng việc cải cách, đổi mới thể chế thông qua việc sửa luật, tạo sự đồng bộ, thông thoáng, không chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau giữa các điều luật. Có dư luận cho rằng, đây là việc làm quá khó trong lúc này. Song lịch sử đã cho chúng ta những kinh nghiệm thực tiễn: Cách đây mấy mươi năm khi đất nước rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã trực tiếp khảo sát, nghiên cứu tình hình và đã ra được quyết sách lịch sử với đường lối đổi mới làm xoay chuyển căn bản cục diện của đất nước. Bài học vô giá ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mặt khác, cho dù những vấn đề căn bản của luật pháp được sửa và điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn, song việc thực thi vẫn do con người. Nếu không chăm lo, bồi đắp, trui rèn phẩm chất đạo đức, thiếu yếu tố “đức trị” thì chủ nghĩa cá nhân biểu hiện ở sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên với động cơ vụ lợi, diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, sẽ còn gây ra những tác hại vô cùng lớn cho lợi ích chung. Cho nên, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực là giải pháp căn cơ, lâu dài. Đồng thời phải tiếp tục đổi mới quan điểm đánh giá, sàng lọc, quy hoạch đội ngũ cán bộ. Đây là những giải pháp cơ bản để xây dựng bộ máy công quyền ngày càng hoàn chỉnh, trong sạch vững mạnh, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo… vì lợi ích chung là biểu hiện của chuẩn mực đạo đức, phẩm chất cao quý, là đòi hỏi khách quan của mỗi cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới hiện nay.

                                                     

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách, đổi mới thể chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”  vì lợi ích chung