Cân đối thu chi quỹ bảo hiểm, tìm giải pháp cho các vấn đề trốn đóng bảo hiểm, cân nhắc số năm đóng bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu là những vấn đề các đại biểu quan tâm khi thảo luận Đề án cải cách chính sách BHXH tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.
Cần hạn chế số người hưởng BHXH một lần
Tại phiên thảo luận cải cách chính sách BHXH, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng. Điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc đóng bảo hiểm, mà cũng ảnh hưởng đến cân đối thu chi của quỹ.
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu
Theo đại biểu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Tức là 2 người tham gia vào BHXH thì một người rút ra khỏi hệ thống. Do đó, làm mất đi ý nghĩa đóng BHXH được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống của họ khi tuổi già, không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Đại biểu Bùi Văn Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”.
Cơ quan thuế thực hiện thu phí BHXH
Việc trốn đóng, nợ đọng BHXH cho người lao động cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tình trạng trốn, nợ đọng BHXH diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với cơ quan BHXH. Số nợ BHXH ước tính đến giữa năm 2017 là gần 15.000 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế: “Cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời với thu thuế và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng lương tối thiểu để làm cơ sở đóng BHXH. Do đó, nếu tiến tới liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH để thu BHXH theo tiền lương, doanh nghiệp kê khai thuế và căn cứ quyết toán chi phí lao động để khấu trừ thuế của doanh nghiệp thì doanh sẽ phải đóng BHXH đúng với mức lương của người lao động được hưởng. Từ đó chấm dứt được tình trạng 2 sổ lương như hiện nay”.
Bên cạnh đó, các ủy viên Trung ương Đảng cũng đề nghị thực hiện tốt việc cấp công đoàn cơ sở khởi kiện chủ doanh nghiệp nếu chậm đóng BHXH cho người lao động.
Cân nhắc việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn, khi sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm tham gia BHXH xuống còn 10 năm. Theo đại biểu, “đây là vấn đề cần hết sức thận trọng, có 10 năm đóng BHXH là đã nghỉ hưu rồi mà trước đây là 20 năm. Khi thảo luận về vấn đề này, Đảng đoàn QH đề nghị chỉ giảm xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào? Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì quỹ cân đối như thế nào?”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ. Vì thế, theo Phó Chủ tịch QH, không nên giảm quá sâu như vậy, vì sẽ xảy ra mất cân đối giữa thu và chi quỹ BHXH.
Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu
Về vấn đề này, đại biểu Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm ở các nước xung quanh thiết kế tối đa là 20 năm, thông thường là từ 10-15 năm và có thể cho phép linh hoạt. Nhưng đương nhiên, thời gian đóng ngắn thì mức hưởng sẽ tương xứng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối và chia sẻ giữa các chế độ BHXH, đặc biệt là bảo hiểm ngắn hạn. Rất nhiều quỹ ngắn hạn kết dư rất lớn như quỹ về an toàn lao động, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa kết nối được với các quỹ khác, không chia sẻ được vì chính sách chúng ta chưa thiết kế.
Đại biểu Đào Ngọc Dung cũng phân tích, làm rõ thêm các vấn đề: Điều chỉnh tích lũy để đạt mức lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm tỷ lệ và số lượng người hưởng một lần; xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đương chức. Thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh 15 lần về lương hưu, nếu cứ thế này sẽ tạo sức ép rất lớn cho bảo hiểm xã hội.
Đồng tình việc nâng tuổi nghỉ hưu
Việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, đây là là xu thế tất yếu trong bối cảnh nước ta hiện nay. Việc này nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, bảo đảm cân đối quỹ BHXH...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tuổi nghỉ hưu thực tế của chúng ta hiện nay thấp nhất trong khu vực. Bình quân của chúng ta là 54,3 (nam là 55,6, nữ có 52,6 tuổi). Mức đóng bình quân của chúng ta là 22%, mức hưởng 70% trung bình. Nam đóng bảo hiểm hiện nay bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm hưởng 27 năm sau khi về hưu. Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó thì rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị Trung ương có quyết tâm chính trị rất lớn. Đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này. Trước hết, về chọn thời điểm, trong tờ trình Trung ương xin cho phép bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021 và những người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025, thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vao giai đoạn dân số già.
Đồng tình với quan điểm nâng tuổi nghỉ hưu nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng.
“Có lẽ cũng cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại, một số ngành nghề có thể do tính chất lao động thời gian làm việc, thời gian lao động rất sớm. Như vậy, chúng ta nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên thể thao hay những ngành nghề như dưới hầm lò, cầu đường… Cần đánh giá tác động của chính sách này đối với nhóm đối tượng đặc thù. Cũng có thể phải tính đến luôn việc có các chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này nếu họ còn lao động”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.