Ngày 6/3, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa đón khách tham quan Phòng trưng bày chuyên đề "Nhận diện hóa - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường" tại 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Phòng trưng bày nhận diện hóa-mỹ phẩm vi phạm trên thị trường sẽ mở cửa từ ngày 6/3 tới 11/3, với hơn 30 chủng loại hàng hóa cùng hơn 500 sản phẩm vi phạm, chủ yếu là dầu gội, sữa tắm, thuốc giảm cân, thuốc dành cho bà bầu... cùng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, hóa - mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam.
Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh chia sẻ cách phân biệt hàng giả-hàng thật.
“Trong một năm trở lại đây, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an hàng trăm vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự”, Tổng Cục trưởng thông tin.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, nguyên nhân dẫn đến hành vi sản xuất, kinh doanh làm giả hóa mỹ phẩm là do số lượng tiêu dùng rất lớn, tỷ lệ người mua hàng đa số là chị em phụ nữ đều có nhu cầu chăm sóc, làm đẹp. Đối với dược phẩm, là thuốc, người bệnh thường có tâm lý “có bệnh vái tứ phương” do vậy, họ không mấy khi quan tâm đến giá cả, miễn là mua được thuốc, do vậy dễ mua phải thuốc giả.
Phòng trưng bày nhận diện hóa-mỹ phẩm vi phạm trên thị trường.
“Mới đây, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra điểm chứa trữ trong khu đô thị Times City, phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các bao tải, túi lớn, không có bao bì, nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh kinh doanh hợp pháp sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh dẫn chứng và cho biết, trước đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp kiểm tra phát hiện 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả mạo các thương hiệu.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, hóa mỹ phẩm, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, do vậy, đây tiếp tục là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất của lực lượng Quản lý thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lưu ý, khuyến cáo người tiêu dùng tránh mua phải các sản phẩm hàng hóa vi phạm, Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Minh Phương cho biết, hàng hóa vi phạm ngày càng được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện. Các sản phẩm vi phạm, giả trông không khác gì hàng thật. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử.
"Người dân hãy là người tiêu dùng thông thái bởi, hiện nay các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…", Tổng cục QLTT khuyến cáo.