Vấn đề quan tâm

Cách nào để đảm bảo môi trường lành mạnh cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè?

Đỗ Việt 07/06/2023 - 08:24

Từ ngày 1/6, học sinh trên cả nước bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài. Đây là giai đoạn trẻ được nghỉ ngơi sau một năm học tuy nhiên cũng là khoảng thời gian “đau đầu” của không ít các bậc phụ huynh trong việc tìm kiếm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ.

Đối với những gia đình ở thành phố, không gian chật chội thì nhiều gia đình thường “nhờ” điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử để “trông giữ” trẻ, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn trên không gian mạng đối với trẻ em. Làm sao để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng? Để thiết bị điện tử thật sự là “người trông giữ trẻ” an toàn, chúng ta phải làm gì? Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với TS, LS Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa TS Đặng Văn Cường, nhiều gia đình hiện nay đang có thói quen “nhờ” điện thoại, ipad, ti vi để dỗ, giữ con hàng ngày mà không hề biết rằng trẻ có thể gặp phải những nguy hiểm trên môi trường mạng khi game, video chứa đựng yếu tố bạo lực và tình dục tràn lan. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

TS Đặng Văn Cường: Nếu như khoảng vài chục năm trước đây trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, hoạt động của con người chưa lệ thuộc nhiều vào công nghệ thì những kỳ nghỉ hè của học sinh là khoảng thời gian vui chơi lành mạnh, các bậc phụ huynh không phải lo ngại nhiều về con em mình.

Tuy nhiên ngày nay, thời gian nghỉ hè của học sinh lại là thời gian khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu, thậm chí lo lắng bởi rất nhiều nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn. Trẻ em có nguy cơ tiếp cận với mạng internet nhiều hơn và kèm theo đó là nguy cơ tác động tiêu cực từ môi trường mạng đến trẻ em cũng nhiều hơn.

345015330_2193384134191662_7728896505176704079_n.jpg
TS, LS Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Trong năm học thì phần lớn thời gian học sinh ở trường, dưới sự quản lý giáo dục của các thầy cô giáo, cha mẹ chỉ tiếp xúc với con vào buổi tối, ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên khi các con được nghỉ học, đặc biệt là với trẻ em tiểu học và THCS thì cha mẹ phải quản lý bảo vệ, chăm sóc con mình "toàn thời gian".

Trong khi đó không phải phụ huynh nào cũng có thời gian để làm việc này. Đa phần các phụ huynh vẫn phải đi làm nên câu chuyện trông con, quản con là câu chuyện khá nan giải đối với nhiều người.

Nhiều người đã chọn giải pháp là "nhờ" vào công nghệ, giao điện thoại, tivi cho con để xem, chơi game trong thời gian cha mẹ làm việc nhà hoặc đi làm. Chuyện cha mẹ nhờ mạng internet kết nối và các thiết bị thông minh để "trông con" theo kiểu phó mặc như vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho trẻ em.

Khi trẻ em sử dụng điện thoại có kết nối internet để chơi game hoặc truy cập vào các trang mạng để giải trí thì rất dễ tiếp cận đến những thông tin xấu độc, trong đó không loại trừ những thông tin bạo lực, dâm ô, đồi trụy, lừa đảo, bắt nạt, lạm dụng tình dục trên không gian mạng.

Bởi vậy, giai đoạn nghỉ hè của học sinh tiểu học và Trung học cơ sở là giai đoạn các bậc phụ huynh phải hết sức quan tâm, có kế hoạch để quản lý, chăm sóc, giáo dục các con sao cho lành mạnh, an toàn.

PV: Theo TS, ngoài những nguy hiểm về mặt nhận thức, tinh thần, việc lạm dụng các thiết bị điện tử còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại về sức khỏe như thế nào đối với trẻ?

TS Đặng Văn Cường: Theo thống kê của các chuyên gia về sức khỏe, chuyên gia tâm lý cũng như những nhà nghiên cứu về trẻ em cho thấy có rất nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đối với trẻ em khi lạm dụng mạng internet trong đó có thể kể đến như: Mạng internet gây "nghiện" cho trẻ em. Khi trẻ em sử dụng internet thường xuyên liên tục thì có thể ảnh hưởng đến xương sống bởi việc sử dụng internet có thể kéo dài trong một tư thế, dẫn đến những đứa trẻ có thể bị vẹo cuộc sống.

Ngoài ra, việc sử dụng internet kéo dài liên tục sẽ ảnh hưởng đến thị giác, nhiều trẻ em bị cận thị, loạn thị và các bệnh về mắt chỉ vì sử dụng mạng internet quá nhiều. Sử dụng mạng internet thường xuyên đến mức nghiện có thể ảnh hưởng đến tâm thần, khả năng kiểm soát cảm xúc, nhiều trẻ em có thể mắc chứng tự kỷ khi giao tiếp một chiều với mạng internet một thời gian quá dài.

Với đặc điểm gây nghiện của các trò chơi game thì trẻ em sử dụng internet sẽ lười vận động thể chất, dễ dẫn đến béo phì, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần.

Thời gian học sinh nghỉ hè luôn là thời gian "đau đầu" với các bậc phụ huynh, không chỉ ở thành thị mà cả ở các vùng nông thôn khi không phải cha mẹ nào cũng có thời gian điều kiện để quản lý chăm sóc con cái trong khoảng thời gian nghỉ hè.

Ở các vùng nông thôn thì khi nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh không kiểm soát được con dẫn đến trẻ em bị tai nạn, đuối nước thương tâm, đó là câu chuyện xảy ra khá nhiều, đáng lo ngại trong những năm gần đây. Còn ở thành phố, thì thời gian nghỉ hè cha mẹ thường kiểm soát con bằng cách nhốt con ở nhà và cho sử dụng điện thoại, máy tính kết nối internet nên những nguy cơ tai nạn, những rủi ro đối với trẻ em cũng vẫn xảy ra theo những cách khác.

tre-em-tren-khong-gian-mang.jpeg
Mạng internet gây "nghiện" cho trẻ em. (Hình minh họa)

PV: Vậy theo ông, gia đình cần làm gì để có thể kiểm soát một cách tốt nhất những nội dung mà trẻ tiếp cận trên không gian mạng?

TS Đặng Văn Cường: Kiểm soát trẻ em trên mạng internet không chỉ ở thời điểm học sinh nghỉ hè mà đây là trách nhiệm thường xuyên, liên tục của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên trong giai đoạn học sinh nghỉ hè thì việc kiểm soát trẻ em càng phải được đề cao hơn.

Để kiểm soát tốt con trong thời điểm nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần phải dành thêm thời gian vào công tác quản lý, giáo dục con cái. Cần phải lên kế hoạch hè cho các con sao cho các con có thời gian vui chơi, kết hợp với học tập và các hoạt động thể chất.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục để kiểm soát thời gian cũng như nội dung các con sử dụng internet sao cho phù hợp. Khi kiểm soát tốt con cái trên môi trường mạng thì sẽ phát huy các mặt tích cực của mạng internet, hạn chế những tiêu cực về sức khỏe, về trí tuệ, về tinh thần của các con.

PV: Để làm tốt vấn đề này, không chỉ phụ thuộc vào một phía gia đình mà cần sự chung tay từ nhiều phía. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông cần thực hiện biện pháp nào để làm tốt công tác an toàn an ninh thông tin trên không gian số đối với trẻ em?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai, đây là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước tiên là thuộc về các bậc phụ huynh, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Bởi vậy, nếu chỉ các bậc phụ huynh tự đề ra các cách thức để quản lý, giáo dục, bảo vệ con mình trong những ngày hè là chưa đủ mà rất cần có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương.

Thời gian qua không ít những địa phương đã có những chương trình, kế hoạch vui chơi dịp hè cho trẻ em, nhiều địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho trẻ em vui chơi giải trí trong dịp hè. Thậm chí có địa phương đã đầu tư cải tạo cả một cái ao rộng để cho trẻ em và nhân dân trong làng tập bơi, vui chơi trong dịp hè... Đó là những hoạt động rất tích cực thiết thực. rất cần có sự vào cuộc chung tay của các cấp chính quyền và của các cơ quan tổ chức chức năng.

Bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng và đặc biệt là vào thời điểm nghỉ hè là trách nhiệm của nhiều cơ quan tổ chức cá nhân và cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi vậy trước tiên, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, giáo dục về các kỹ năng sống cho trẻ em để trẻ có thể thoát hiểm khi hỏa hoạn, đuối nước và giáo dục các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trên không gian mạng là rất cần thiết.

Ngoài ra các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần phải có những chương trình kế hoạch để tạo ra những sân chơi bổ ích, những hoạt động thiết thực trong dịp hè để thu hút trẻ em tham gia hoạt động thể chất, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh góp phần phát triển thể chất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong những dịp nghỉ hè.

Chỉ khi nào các bậc phụ huynh dành thời gian, có trách nhiệm trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ con em và các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ thì trẻ em mới có điều kiện để phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần.

PV: Xin cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào để đảm bảo môi trường lành mạnh cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè?