Đời sống

"Rào chắn" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Nguyên Thảo 01/06/2023 11:12

Sự phát triển của Internet, mạng xã hội đã giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau và tiếp cận nhiều nguồn thông tin, nâng cao hiểu biết,... Bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội cũng tiềm ẩn những mặt trái, tiêu cực, tin giả. Đặc biệt, những mối rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn đó rất dễ ảnh hưởng, tác động đến trẻ em.

Tiềm ẩn nhiều mối nguy hại từ Internet

Số liệu từ tổ chức ChildFund Việt Nam cho thấy, năm 2023, Việt Nam có gần 78 triệu thuê bao Internet, hơn 66 triệu tài khoản Facebook, và hơn 49,8 triệu triệu tài khoản Tiktok. Trong đó có 87% số tài khoản trên sử dụng Internet hàng ngày, người dùng ngày càng trẻ hóa.

Khảo sát từ các tổ chức quốc tế cho thấy, tại trên 30 quốc gia được khảo sát, có 1/3 trẻ em nói đã bị bắt nạt qua mạng, hơn 750.000 cá nhân thực hiện tìm kiếm trên Internet để kết nối với trẻ vì mục đích tình dục trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ kết bạn với người lạ của trẻ em gái cao hơn trẻ em trai; trẻ em gái nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên mạng xã hội nhiều hơn trẻ em trai; tỷ lệ trẻ em trai trải nghiệm các rủi ro trên mang cao hơn trẻ em gái, đặc biệt với rủi ro "truy cập đường link bạn bè hoặc người khác gửi", "giả làm người khác trên mạng" và "gửi thông tin cá nhân cho người khác"…

trem-em-mtm.jpeg
Trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng.

Thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến các em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ. Để bảo vệ trẻ em, cần nhận thức rõ trách nhiệm của gia đình, cha mẹ đối với việc phòng ngừa tổn hại cho trẻ, trong đó có phòng ngừa xâm hại trên môi trường mạng...

"Nhà nước có chính sách, truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn", Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Việc nhiều cha mẹ thường xuyên khoe con trên mạng xã hội, đặc biệt các loại chứng nhận, bằng khen về thành tích học tập vô tình làm lộ thông tin cá nhân của các em. Trong các thông tin này có đầy đủ họ tên, lớp, tuổi, hiệu trưởng trường… nên đối tượng lừa đảo sử dụng để lừa bố mẹ, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Ông Nam cho rằng, mạng xã hội có 2 mặt, cần khai thác mặt tích cực, như giải trí lành mạnh, kiến thức về bảo vệ trẻ em, và có biện pháp hạn chế tối đa mặt tiêu cực tới trẻ khi sử dụng mạng xã hội. 

"Chúng ta phải hiểu không thể cấm trẻ sử dụng Internet, hay mạng xã hội vì bố mẹ dùng hàng ngày thì không thể cấm con được, nên sẽ hiệu quả hơn khi cha mẹ có kiến thức để khai thác hiệu quả mạng xã hội", ông Nam nói.

Nâng cao nhận thức sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất

Internet là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích. Song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết cần và đủ để không lạc lối.

Bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, theo khảo sát về trải nghiệm của trẻ em Việt Nam về bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng, có 1% trẻ em được khảo sát bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để đổi lấy video/ hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị đề nghị cho tiền/quà để thực hiện hành vi tình dục; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện tình dục. Do vậy, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

tre-em-kgm.jpeg
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh.

Tháng 6/2021, chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Chương trình đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.

100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo bà Hoa, hiện nay chúng ta đã có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điển hình như hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với đường dây nóng là 0963.563.571 đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam (Viettel, VNPT, FPT) và các doanh nghiệp quốc tế (Microsoft, Facebook, TikTok...) đã có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em cũng như tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đặc biệt, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng cũng như nhận biết những thông tin, video clip độc hại, không phù hợp.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, cha mẹ cần dạy trẻ cách phân biệt những thông tin nào là an toàn và thông tin nào là nguy hiểm từ Internet. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để giám sát tất cả mọi thứ con mình làm, nhưng chúng ta có thể dạy chúng cách tự bảo vệ mình khỏi những thứ độc hại, nguy hiểm trên mạng. Hãy dạy con "khôn" hơn, chủ động hơn trên mạng ảo.

Thế nhưng, thực tế là hiện nay, không ít những bậc cha mẹ cũng không thoát khỏi được thế giới ảo khi lạm dụng mạng xã hội, Internet. 

ThS.BS Nguyễn Khắc Dũng - Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho rằng, cha mẹ cần kiểm soát thời lượng sử dụng Internet, thiết lập những khu vực không có công nghệ trong nhà, hoặc giờ không sử dụng các thiết bị điện thoại, kể cả bố và mẹ.

Cần phải làm gương cho con trẻ. Sẽ không thể có mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái khi những giao tiếp, tương tác truyền thống như trò chuyện, chia sẻ, cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi bị xem nhẹ.

Đồng thời, mỗi bậc phụ huynh phải tự cập nhật kiến thức, công nghệ, cùng đồng hành với con trên không gian mạng. Trong mọi biện pháp thì việc trao đổi, kết nối giữa cha mẹ và con cái luôn có hiệu quả. Ngoài ra, cần giáo dục con cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng. Bởi những nguy cơ mất an toàn của trẻ em hoàn toàn có thể được nhận diện, phòng chống, giải quyết ngay trong những môi trường nhỏ như gia đình.

Tạo màng lọc cho môi trường Internet của con được lành mạnh, thì cần lời giải từ hai phía, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vai trò của cha mẹ trong giáo dục, đồng hành với con cái sẽ xây dựng cho con trẻ một "hệ miễn dịch" khỏe mạnh với những tiêu cực từ môi trường mạng. 

Hơn ai hết, cha mẹ chính là những người "gác cổng", "lá chắn" cho trẻ nên cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, giúp con em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Rào chắn" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng