Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 1)

Duy Kiên| 19/05/2014 11:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định của BLDS, có rất nhiều hình thức bảo đảm: Cầm cố, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc tiến hành giao kết các giao dịch bảo đảm, cán bộ NH đã có nhiều vi phạm ở các mức độ khác nhau.

Việc ngân hàng ký kết các hợp đồng bảo đảm với người vay tiền là nhằm bảo đảm cho các khoản cho vay. Nhưng các hợp đồng này chỉ phát huy tác dụng bảo đảm cho việc trả nợ khi việc ký kết hợp đồng bảo đảm vừa phải tuân thủ đúng các yêu cầu về hình thức, và nội dung của hợp đồng, vừa phải bảo đảm giá trị tài sản đưa ra bảo đảm phải có giá trị lớn hơn khoản cho vay (với tỷ lệ thông thường 70, 75/100) và tài sản này phải của chính các chủ sở hữu (hoặc được chủ sở hữu ủy quyền hợp lệ) ký kết trong hợp đồng bảo đảm. Sở dĩ tài sản bảo đảm cần có giá trị lớn hơn đối với khoản tín dụng được bảo đảm là vì ngoài việc phòng ngừa giá trị của tài sản bảo đảm biến động theo chiều hướng giảm giá trị, mà điều quan trọng là ngoài khoản nợ gốc của hợp đồng tín dụng, còn có khoản lãi và các phát sinh khác nếu như người vay không thanh toán đúng hạn. Do đó, quy trình và các bước tiến hành khi ký kết hợp đồng bảo đảm phải được cán bộ ngân hàng tuân thủ triệt để, thực hiện đúng thì mới giảm thiểu được rủi ro. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, tác giả nhận thấy việc tiến hành giao kết các giao dịch bảo đảm, cán bộ ngân hàng đã có nhiều vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau, dưới đây là một số trường hợp do không thực hiện đúng các yêu cầu, dẫn đến giao dịch bảo đảm vô hiệu:

Các bên không cùng đến ký hợp đồng thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền

Vụ Quỹ tín dụng nhân dân Trung Lương - Chi nhánh ĐN ký hợp đồng với bà Đỗ Thị Tĩnh chủ doanh nghiệp tư nhân Đa Lộc Tân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn Miền, bà Nguyễn Thị La về hợp đồng tín dụng và giao dịch bảo đảm. Tại hợp đồng thế chấp nói trên UBND xã Thanh Phú xác nhận là: “các đương sự… ký trước mặt chúng tôi”. Nhưng ngày 13/12/2007 UBND xã xác nhận ông Miền đến Ủy ban xã ký hợp đồng thế chấp; ngày 12/6/2008 UBND xã lại xác nhận: “Hộ ông Trần Văn Miền và bà Nguyễn Thị La đã đến Ủy ban xã ký bốn hợp đồng thế chấp vào ngày 22/9/2006 là đúng sự thật”. bà Tĩnh khai bà không đến Ủy ban xã để chứng thực hợp đồng thế chấp, nhưng bà Tĩnh đồng ý trả nợ và không đưa tài sản của ông Miền, bà La vào bảo đảm cho hợp đồng vay trên.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục thế chấp và ký hợp đồng thế chấp có một loạt sai sót, vi phạm, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn công nhận hợp đồng thế chấp hợp pháp là không đúng. Do đó, sau khi xét xử phúc thẩm có đương sự khiếu nại, Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm nhằm xem xét lại tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp.

Người vay có thủ đoạn gian dối khi thế chấp, bảo lãnh, cán bộ ngân hàng có nhiều sơ hở khi tiến hành các bước để ký hợp đồng bảo đảm

Vụ Ngân hàng CT Việt Nam (nay là Ngân hàng TMCP CT Việt Nam) với bà Nguyễn Anh Thư chủ doanh nghiệp tư nhân Nhất Nguyệt; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Bá, bà Trần Thị Còn, bà Phạm Thị Bê. Mặc dù hợp đồng thế chấp có nhiều sai sót nhưng tại Bản án sơ thẩm số 161/2008/KDTM-ST ngày 30/12/2008 của TAND tỉnh ĐN và bản án phúc thẩm số 36/2009/KDTM-PT ngày 24/3/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh vẫn công nhận hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng với vợ chồng ông Phạm Bá, bà Còn là hợp pháp là không đúng. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị để xem xét lại tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp nói trên. Qua vụ án này cho thấy quy trình tiến hành ký kết hợp đồng thế chấp của Ngân hàng là chưa chặt chẽ, có nhiều sơ hở dễ dẫn đến bị lợi dụng, vô hiệu hóa các cam kết trong hợp đồng thế chấp.

Có nhiều hợp đồng tín dụng, nhưng hợp đồng bảo lãnh, thế chấp không ghi rõ bảo đảm cho hợp đồng tín dụng nào

Vụ Ngân hàng TMCP nhà HN (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) với Công ty cổ phần dịch vụ vận tải và thương mại tổng hợp Thanh Đa (sau đây gọi tắt là Công ty Thanh Đa); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thanh Tầm, ông Nguyễn Văn Thành và bà Bùi Thị Ảnh. Quyết định của bản án sơ thẩm không rõ ràng dẫn đến Ngân hàng có quyền phát mại ngay tài sản bảo đảm và phát mại bất kỳ tài sản bảo đảm nào. Tại Kháng nghị số 11 ngày 25/4/2012 Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị Bản án sơ thẩm số 181 nói trên. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 31/2012/KDTM-GĐT ngày 29/11/2012 Tòa kinh tế TANDTC đã quyết định hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 181 nói trên, để giao cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Việc cho vay với Chi nhánh của pháp nhân không chặt chẽ, dẫn đến tranh chấp phức tạp; cán bộ ngân hàng không làm đúng thủ tục về bảo lãnh.

Vụ Ngân hàng TMCP CT Việt Nam tranh chấp với Công ty CP xây dựng 1-6 Vinaconex; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Xí nghiệp xây dựng 4, ông Trần Quốc Toàn và vợ là bà Phạm Thị Ngà, ông Nguyễn Ngọc Hoàn. Xí nghiệp xây dựng 4 (chi nhánh của bị đơn), có ký Hợp đồng tín dụng số 1/HĐTD ngày 14/5/2001 với Ngân hàng TMCP CT Việt Nam để vay 2 tỷ đồng, đã được giải ngân 1.9005.976.000 đồng, Xí nghiệp xây dựng 4 đã dùng tiền mua máy móc phục vụ công việc được giao.

Ngày 10/5/2001 ông Trần Quốc Toàn (bên A bên bảo lãnh) và Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh NA (bên B nhận bảo lãnh) và Xí nghiệp xây dựng 4 (bên C được bảo lãnh) ký Hợp đồng bảo lãnh số 02/HĐBL được đăng ký tại Ủy ban nhân dân phường Hùng Dũng, thành phố V, tỉnh NA; tài sản bảo lãnh là nhà, đất theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất do bà Phạm Thị Ngà đứng tên.

Theo ông Toàn, ông đại diện chủ sở hữu đã ký vào hợp đồng bảo lãnh và ông trình bày ông ký thay cả bà Ngà (vợ ông).

Bà Ngà không thừa nhận chữ ký trong hợp đồng bảo lãnh là chữ ký của mình, không biết việc ông Toàn mang tài sản đi bảo lãnh, không đồng ý xử lý tài sản trong hợp đồng bảo lãnh.

Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ bà Ngà có mặt tại Ủy ban nhân dân phường Hùng Dũng, thành phố V khi Ủy ban xác nhận đăng ký thế chấp, bảo lãnh của ông Toàn, bà Ngà và Tòa án không giám định chữ viết, chữ ký mang tên Phạm Thị Ngà ở mục “bên bảo lãnh - đại diện chủ sở hữu” để xác định sự thật.

Bị đơn là Công ty CPXD 1-6 trình bày, Công ty không chịu trách nhiệm về khoản vay trong hợp đồng tín dụng mà Xí nghiệp xây dựng 4 vay, vì khi ông Nguyễn Hữu Thu thay ông Bạch Văn Thì làm Giám đốc Công ty CPXD 1-6 từ ngày 27/2/2001 thì ngày 6/4/2001 ông đã ký Công văn 263 gửi các đơn vị trực thuộc và Chi nhánh Ngân hàng CT NA, các Chi nhánh của Công ty CPXD 1-6 chỉ được vay vốn tín dụng khi được đồng ý của Công ty.

Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh NA trình bày, Chi nhánh không nhận được công văn trên.

Tại Bản án sơ thẩm xử án số 01/KDTM-ST ngày 27/10/2008 TAND tỉnh NA đã quyết định buộc bị đơn trả nợ, và xác định hợp đồng bảo lãnh vô hiệu.

Tại Bản án phúc thẩm số 95/KDTM-PT ngày 7/9/2009 Tòa phúc thẩm TANDTC tại HN đã quyết định: Buộc bị đơn trả nợ; hợp đồng bảo lãnh vô hiệu ½, có hiệu lực ½.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng bảo lãnh có hiệu lực ½ (phần của ông Toàn) phần còn lại vô hiệu là không đúng, vì tài sản mà ông Toàn đem thế chấp, bảo lãnh do bà Ngà đứng tên trong giấy chứng nhận; nếu tài sản này là tài sản chung của vợ chồng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 232 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”; tại Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.”. Do đó, nếu hợp đồng bảo lãnh chỉ có mình ông Toàn ký, bà Ngà không ký, không biết việc ông Toàn bảo lãnh cho Xí nghiệp xây dưng 4 vay tiền Ngân hàng và bà Ngà không đồng ý thì hợp đồng bảo lãnh sẽ không có giá trị pháp lý.

Đối với khoản tiền Ngân hàng cho Xí nghiệp xây dựng 4 vay đã tiềm ẩn rủi ro, vì Xí nghiệp xây dựng 4 chỉ là đơn vị phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân, chỉ được vay vốn khi Công ty đồng ý, nhưng rất may cho Ngân hàng, khi Xí nghiệp xây dựng 4 vay vốn và mua máy móc có báo cáo về Công ty, Công ty biết không phản đối, Công ty đã đưa một số máy móc do Xí nghiệp xây dựng 4 mua bằng nguồn vốn tín dụng nói trên về phục vụ công việc của Công ty; ngày 29/10/2004 Công ty CP xây dựng 1-6 yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng xác nhận công nợ, Chi nhánh đã xác nhận Xí nghiệp xây dựng 4 nợ Ngân hàng 1.731.000.000 đồng. Do đó, Tòa án buộc bị đơn trả nợ là đúng.

Tại Quyết định kháng nghị số 19/KDTM-KN ngày 2/7/2012 Chánh án TANDTC đã kháng nghị Bản án phúc thẩm số 95/2009/KDTM-PT ngày 7/7/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại HN, nhằm xem xét lại giá trị pháp lý của hợp đồng bảo lãnh. Nếu sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ và giám định không phải chữ ký của bà Ngà thì hợp đồng bảo lãnh vô hiệu toàn bộ.

Trong trường hợp này nếu cán bộ ngân hàng khi làm thủ tục bảo lãnh yêu cầu bà Ngà cùng ông Toàn ký vào hợp đồng bảo lãnh có sự chứng kiến của cán bộ ngân hàng và Ủy ban nhân dân xã Hùng Dũng, thì sự việc sẽ rất đơn giản không có sự tranh chấp giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh; trong trường hợp có tranh chấp mà hợp đồng đã hợp pháp thì sẽ được Tòa án công nhận.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 1)