Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với bão số 5

Bạch Dương| 16/10/2022 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tối 15/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 33/CĐ-QG gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí về việc chủ động ứng phó với bão số 5 (tên quốc tế là bão Nesat).

bao-151022.gif
Tin bão gần Biển Đông (bão Nesat). Nguồn: KTTV

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19h00 ngày 15/10, vị trí tâm bão Nesat ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 114km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15 km/giờ, đến 19h00 ngày16/10, bão đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm đến cấp 9, giật cấp 11.

Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất khi mưa, lũ kéo dài, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện việc theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

* Chiều 15/10, ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết: Đến 17h00 ngày 15/10 đã xác định được 2 trường hợp tử vong do đuối nước và 1 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) trong bão số 5.

Cùng ngày, Thành ủy Đà Nẵng đã có công văn về khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5, áp thấp nhiệt đới có mưa lớn gây ra; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố chủ động, tích cực triển khai xử lý những nơi còn ngập úng, nhất là trong khu vực nội thành, những vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Lực lượng chức năng tập trung tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, khu dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị, nhất là các tuyến đường chính, tuyến đường ven biển, các khu vực bị sạt lở trên địa bàn thành phố; bảo đảm lương thực, nước sạch cho người dân, thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị những người bị thương, bị nạn do mưa bão gây ra; tăng cường quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.

Các ngành chức năng, địa phương tổ chức cứu trợ đối với các trường hợp khẩn cấp, nhất là các trường hợp ở các khu sơ tán tập trung, các hộ bị thiệt hại về nhà cửa, sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân không chủ quan, hạn chế trường hợp tai nạn trong lúc dọn dẹp sau mưa bão…

* Tại Quảng Trị, chiều 15/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, mưa lớn trong nhiều giờ đã khiến lũ trên các sông lên nhanh gây ngập lụt, chia cắt ở nhiều địa phương.

Đến 16h00 cùng ngày, tỉnh đã sơ tán di dời 1.205 hộ với 3.835 nhân khẩu sinh sống ở vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất; tập trung ở các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị đến nơi an toàn.

Mưa lũ cũng đã làm 1.318 nhà dân bị ngập với mức ngập từ 0,3 - 1,0m; chủ yếu ở huyện Hải Lăng với trên 900 nhà, còn lại ở các huyện: Triệu Phong, Đakrông và thị xã Quảng Trị.

Tỉnh Quảng Trị đã lên phương án tổ chức sơ tán dân gồm: sơ tán tránh lũ, ngập lụt trên toàn tỉnh là 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu; sơ tán di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét là 2.243 hộ với 8.921 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông và các xã phía Tây của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất là 1.718 hộ với 6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với bão số 5