Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội.
Phong tỏa toàn bộ 3 bệnh viện Đà Nẵng
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì diễn ra sáng ngày 27/7, báo cáo của các chuyên gia cho thấy, kết quả điều tra truy vết và giám sát, tất cả các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng đều liên quan tới khối 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện chỉnh hình. Các ca bệnh đều có dấu hiệu viêm phổi, sốt…
Tương tự như tình huống bùng phát dịch ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nguồn lây bệnh (F0) đến nay vẫn chưa được xác định. Đội điều tra giám sát dịch do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 6 thành viên khác, đang tiếp tục truy vết tìm F0.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất; tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng, đến sáng nay các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định,…
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định, thành phố Đà Nẵng từ 13h chiều 26/7 đã bắt đầu triển khai giãn cách xã hội toàn thành phố: “Các lực lượng Đà Nẵng sẽ phong tỏa ở các khu vực bệnh nhân từng đến và khối 3 bệnh viện được đánh giá là ổ dịch lây nhiễm lớn nhất. Sáng 27/7, TP Đà Nẵng đã họp và thống nhất phong tỏa toàn bộ 3 bệnh viện. Đội truy vết của Bộ Y tế đã thu thập tất cả dữ liệu liên quan đến 3 bệnh viện này để bắt đầu cuộc rà soát, truy vết lớn hơn so với biện pháp tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Áp dụng kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở BV Bạch Mai
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) đề xuất: “Không chỉ rà soát các nhân viên của 3 bệnh viện, những người bán hàng, những người thường xuyên ra vào bệnh viện cũng cần được cách ly, rà soát. Các biện pháp triển khai giống như tại Bệnh viện Bạch Mai trước đây, nhưng không chỉ trong nội bệnh viện mà cả các khu ngoại viện. Với nơi cư trú của bệnh nhân, chúng tôi nhất trí với những biện pháp đưa ra ngay từ đầu là điều tra dịch tễ, khoanh vùng cách ly diện hẹp và triệt để”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Các trường hợp người dân từng tới các bệnh viện, có liên quan tới các vùng dịch trong bệnh viện, khi về địa phương phải cách ly 14 ngày. Còn những người chỉ đến và du lịch từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khỏe để có biện pháp xử lý nếu có triệu chứng bất thường.
Cụ thể, các chuyên gia đề xuất thực hiện giãn cách toàn thành phố Đà Nẵng, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang nơi công cộng, sử dụng nước rửa tay thường xuyên…
Tham gia tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị chính quyền các địa phương và người dân hợp tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và các thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở BV Bạch Mai.
Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, vừa giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác. Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng.
Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh,…
Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh.
Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội.