Vào ngày 20/7, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thực hiện sứ mệnh đầu tiên lên Sao Hỏa trong nỗ lực phát triển khả năng khoa học - công nghệ của nước này và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Tàu thăm dò mang tên Hy vọng đã rời Trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản lúc 1:58 sáng (giờ UAE), thực hiện cuộc hành trình 7 tháng tới Sao Hỏa và gửi dữ liệu về khí quyển.
Sứ mệnh Sao Hỏa đầu tiên của UAE dự kiến khởi động vào ngày 14/7 nhưng đã bị trì hoãn hai lần do thời tiết xấu.
Chỉ hơn một giờ sau khi phóng, tàu thăm dò đã kích hoạt các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho hệ thống và thiết lập kết nối vô tuyến với trạm mặt đất.
Ảnh minh họa.
Có 8 nhiệm vụ thám hiểm Sao Hỏa, một số đang trên quỹ đạo hành tinh và một số đã hạ cánh trên bề mặt Sao Hỏa. Trung Quốc và Mỹ đều lên kế hoạch gửi tàu vũ trụ lên Sao Hỏa trong năm nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Hiện đại Sarah Amiri, sứ mệnh Sao Hỏa đã tiêu tốn chi phí 200 triệu USD. UAE hy vọng có thể lần đầu tiên cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh về bầu không khí ở hành tinh đỏ, nghiên cứu các thay đổi hàng ngày và theo mùa.
UAE lần đầu tiên công bố kế hoạch cho nhiệm vụ này vào năm 2014 và đưa ra Chương trình Không gian Quốc gia vào năm 2017 để phát triển chuyên môn trong nước. Với quy mô dân số 9,4 triệu người và hầu hết là công nhân nước ngoài, UAE thiếu nền tảng khoa học và công nghiệp của các quốc gia thám hiểm không gian lớn.
UAE đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng về việc định cư trên Sao Hỏa vào năm 2117. Nhà du hành vũ trụ Hazza al-Mansouri trở thành người của Tiểu vương quốc đầu tiên bay tới Trạm vũ trụ quốc tế.
Để phát triển và xây dựng tàu thăm dò Hy vọng, Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid (MBRSC) đã làm việc với các viện giáo dục của Mỹ.
Trung tâm vũ trụ MBRSC ở Dubai sẽ giám sát tàu vũ trụ trong hành trình 494 triệu km (307 triệu dặm) đến Sao Hỏa với tốc độ trung bình 121.000 km/giờ.