Các nhà lãnh đạo phương Tây cùng các cựu chiến binh kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ D-Day
Hà Mai•06/06/2024 - 21:59
Các buổi lễ quốc gia riêng biệt đã diễn ra trước khi các nhà lãnh đạo cùng nhau tham dự một buổi lễ quốc tế bắt đầu từ 14:00 GMT ngày 6/6, tại bãi biển Omaha ở Normandy (Pháp). Những vị khách danh dự nhất là những cựu chiến binh còn sống.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Canada Justin Trudeau nằm trong số hơn 20 nguyên thủ quốc gia và chính phủ tham dự chuỗi sự kiện ngày 6/6 được tổ chức trên khắp Normandy để tôn vinh gần 160.000 quân Đồng minh đã chiến đấu ở đó 80 năm trước.
Có khoảng 200 cựu chiến binh tham dự buổi lễ đầy cảm xúc, một con số đang giảm dần mỗi năm với hầu hết đều ở độ tuổi cuối 90 và một số trên 100 tuổi. Đây có thể là ngày kỷ niệm D-Day lớn cuối cùng mà họ có mặt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vinh danh 11 cựu chiến binh Mỹ với Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, giải thưởng dân sự và quân sự cao nhất của Pháp.
Tổng thống Macron nói với các cựu chiến binh rằng ông tôn vinh họ "vì sự dũng cảm, vì sự phục vụ của các cựu chiến binh cho tự do của chúng ta".
Giải thưởng được tạo ra vào năm 1802 bởi Napoléon.
Vua Charles III và Nữ hoàng Camilla của Anh đã tham dự sự kiện kỷ niệm của Bộ Quốc phòng Anh và Quân đoàn Hoàng gia Anh tại Đài tưởng niệm Normandy của Anh tại Ver-sur-Mer vào 6/6.
Vua Charles - trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư - là người bảo trợ của Quân đoàn Hoàng gia Anh và Quỹ tưởng niệm Normandy.
Vị Quốc vương 75 tuổi không có mặt tại buổi lễ quốc tế trên bãi biển Omaha cùng với các nguyên thủ quốc gia khác vào cuối ngày 6/6. Thay vào đó, Hoàng tử William sẽ đại diện cho Hoàng gia Anh.
Tổng thống Biden đã có một bài phát biểu đầy cảm xúc tại lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ D-Day, đưa ra những điểm tương đồng giữa năm 1944 và hiện tại. Trong bài phát biểu, ông cảnh báo “cái giá phải trả cho sự chuyên chế không được kiểm soát là máu của những người trẻ tuổi và những người dũng cảm”.
Khoảng 200 cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai cùng các nguyên thủ quốc gia và những người khác trên các bãi biển Normandy để kỷ niệm 80 năm D-Day. Trong số những cựu chiến binh tới tham gia sự kiện có cựu chiến binh 101 tuổi của Quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai Jake Larson.
Là người sống sót sau D-Day, ông Jake Larson cũng là một tiktoker nổi tiếng với cái tên “Papa Jake”, tới Pháp để tưởng nhớ những "người anh em đã không về được nhà" của mình. Cựu chiến binh Jake Larson nói: “Người ta nói 'ở đây để' làm gì? Tôi nói, tôi "ở đây" để nói với bạn rằng tôi không phải là anh hùng. Chính những người ở 'trên đó' đã hy sinh mạng sống của mình để tôi có thể về nhà. 'Ở đây' là như thế đấy”.
Từ trước khi bình minh, hàng trăm người, một số mặc đồng phục thời Thế chiến thứ hai, đã đến Bãi biển Utah, một trong 5 bãi đổ bộ của quân Đồng minh vào D-Day, để tưởng nhớ những chiến binh đã lội xuống biển lạnh qua mưa đá lửa cách đây đúng 80 năm. Đó là cách họ bày tỏ lòng tôn kính và hiểu rõ hơn những gì thực sự đã xảy ra trong cuộc đổ bộ năm 1944.
Cuộc độ bộ D-Day (Chiến dịch Overlord) ngày 6/6/1944, quy tụ các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển của quân đội đồng minh, là cuộc xâm lược đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự, là cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm giải phóng châu Âu khỏi Đức Quốc xã.
156.115 binh sĩ Đồng minh từ 12 quốc gia khác nhau đã chiến đấu ở Normandy. Khoảng 12.000 máy bay được sử dụng để tấn công các vị trí của quân Đức trong khi 6.939 tàu, trong đó có 1.213 tàu chiến, tham gia chiến dịch. 10.300 binh sĩ Đồng minh thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.