Một trong những hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lủa Chư Đăng Ya, là cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Gia Lai) phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức.
Tham gia cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tại Tuần lễ hội Hoa, có 45 nghệ nhân đến từ các xã Ia Khươl, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Hòa Phú, Chư Đăng Ya. Trong đó có 30 nghệ nhân thi dệt thổ cẩm và 15 nghệ nhân thi đan lát. Cuộc thi đặc biệt hơn khi được tổ chức dưới chân núi lửa Chư Đang Ya - nơi được tạp chí Anh quốc bầu chọn là một trong những miệng núi lửa đẹp nhất thế giới năm 2018.
Đây không chỉ là dịp để tạo sân chơi cho các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát và tạc tượng trên toàn huyện được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, mà thông qua cuộc thi này, địa phương sẽ tìm kiếm, tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân. Từ đó, không để những nếp nghề truyền thống bị mai một.
Mỗi nghệ nhân tham gia cuộc thi đều thể hiện tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống trực tiếp ngay tại nơi diễn ra Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lủa Chư Đăng Ya. Tại cuộc thi, các nghệ nhân tham gia đan lát và dệt thổ cẩm truyền thống với các mẫu phong phú để tạo ra các sản phẩm quà lưu niệm như: Gùi nhỏ, bình hoa, mẹt, vật dụng trang trí, túi xách, ví, khăn quàng cổ, áo,...
Các sản phẩm đạt giải, Ban tổ chức sẽ giữ lại để trưng bày, quảng bá trong các sự kiện văn hóa du lịch phục vụ du khách tham quan tại Lễ hội Hoa và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sau này của địa phương.
Kết thúc cuộc thi, kết quả, nghệ nhân Rơ Châm Vơn (làng Pok, xã Ia Khươl) giành giải nhất ở nội dung dệt thổ cẩm; nghệ nhân Rơ Châm Nghi (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) giành giải nhì; các nghệ nhân: Rơ Châm Hoi (làng Kép 1, xã Ia Nông), Rơ Châm En (làng Băng, xã Ia Nhin) và Rơ Châm Huer (làng Hreng, xã Hòa Phú) đồng giải ba.
Giải nhất nghề đan lát truyền thống được trao cho nghệ nhân Rơ Châm Beoh (làng Hreng, xã Hòa Phú); giải nhì thuộc về ông Dyái (làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya) và giải ba thuộc về ông Rơ Châm Héh (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông).
Nghệ nhân Rơ Châm Vơn (làng Pok, xã Ia Khươl), chia sẻ: "Tôi học đan lát từ mẹ khi còn nhỏ, khi tham gia cuộc thi này, một phần để thỏa sức đam mê với nghề, một phần muốn quảng bá cho mọi người biết đến các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. Thông qua cuộc thi, tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ lớp trẻ về những hình ảnh, họa tiết độc đáo để có thể làm các sản phẩm sau này của mình mới lạ hơn. Tôi rất vui và bất ngờ vì đã đạt giải nhất ở cuộc thi, đây cũng là động lực để tôi tiếp tục giữ nghề và truyền lại cho con cháu sau này".
Ông Rơ Châm Beoh (làng Hreng, xã Hòa Phú) là nghệ nhân đạt gải nhất cuộc thi đan lát truyền thống, hồ hởi nói. "Khi tham gia cuộc thi mình mong muốn học hỏi thêm được nhiều cách đan hoa văn, họa tiết mới lạ mà trước giờ chưa từng làm, để sau này có thể trau chuốt chiếc gùi của mình đẹp hơn và các sản phẩm từ đan lát sẽ được nhiều người tìm mua. Bên cạnh đó, qua cuộc thi này, mình cũng mong muốn người trẻ sẽ biết đến nghề đan lát truyền thống nhiều hơn để nghề này không bị mai một".
Đến với Tuần lễ hội Hoa lần này, ngoài xem trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát, du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng nghệ nhân trổ tài tạc tượng dân gian truyền thống trên gỗ. Từ sức khỏe bền bỉ và đôi tay dẻo dai, những nghệ nhân đa tài tình khắc hoạ lên gỗ những bức tượng mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hòa chung không khí lễ hội, sáng 10/11, hơn 1000 vận động viên trong cả nước đã cùng nhau chinh phục cung đường giải chạy Half Marathon “Đánh thức vùng quê Chư Păh – Hành trình kết nối núi và hoa”. Gải chạy năm nay có 4 cự ly: 2km, 5km, 10km và 21km. Từ sáng sơm, các runner đã tập trung về khu vực hàng thông tram tuổi (thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) để tham gia giải chạy. Cự ly 21km được Băn tổ chức bố trí xuất phát sớm vào lúc 4h45. Sau mỗi 30 phút, vân động viên cự ly 10km và 5km lần lượt xuất phát. Trong đó, cự ly 2km dành cho các vận động viên dưới 12 tuổi tổ chức vào ngày 9/11.