Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh lãi suất tiền gửi xuống dưới 10%/năm, góp phần giảm tâm lý kỳ vọng trên thị trường.
Biểu lãi suất huy động mới nhất của một số ngân hàng thương mại đã không còn xuất hiện mức lãi suất cao trên 10%, thậm chí 11%/năm như những ngày trước.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên, với điều kiện trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ trước và có sự đồng ý của ngân hàng.
Hiện tại, NCB đã hạ lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất còn 8,95%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài từ 24-60 tháng; lãi suất gửi từ 6 tháng là 8,5%/năm và lãi suất gửi 12 tháng là 8,75%/năm.
Biểu lãi suất niêm yết của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) hồi cuối tháng 10/2022 cũng xuất hiện mức lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu áp dụng với các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm. Dù áp dụng mức lãi suất lên tới 11%/năm trong 3 tháng đầu, nhưng tính chung nếu khách hàng gửi tiền 9 tháng theo sản phẩm này thì thực lãi chỉ là 7,63%/năm, vì đây là sản phẩm gửi góp.
Hiện, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của Nam A Bank cao nhất hiện là 8,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng đối với khách hàng gửi thông thường; riêng mức lãi suất gửi 8,9%/năm kỳ hạn 36 tháng có điều kiện áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên và được phê duyệt của Tổng Giám đốc.
Một số chuyên gia phân tích việc các ngân hàng không còn niêm yết mức lãi suất cao trên 10%/năm sẽ góp phần giảm tâm lý kỳ vọng về lãi suất tăng của người gửi tiền và khách hàng.
Hiện nhiều ngân hàng thương mại đã huy động lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng ở mức từ 8%/năm trở lên, trong khi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều ngân hàng áp dụng mức tối đa là 6%/năm.
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành và nâng trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 2 điểm % trong tháng 9 và tháng 10-2022.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc tăng lãi suất điều hành nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.