Các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện nên giao Tòa cấp tỉnh giải quyết

Minh Giang| 13/08/2015 23:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì phiên họp.

Bảo đảm nguyên tắc “Suy đoán vô tội”

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự án BLTTHS (sửa đổi). Sau khi cùng các bộ ngành hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực UBTP đã báo cáo UBTVQH việc tiếp thu, giải trình một số vấn đề lớn và chỉnh lý dự thảo Bộ luật. Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng nội dung nguyên tắc “Suy đoán vô tội” và nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” trong dự thảo còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp. Để làm rõ hơn nội dung các nguyên tắc này, đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, Thường trực UBTP đề nghị chỉnh lý thành “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.

Đã có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không bổ sung các cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vì không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Vì vậy, Thường trực UBTP cho rằng: Do địa bàn hoạt động của cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước gần các cơ quan điều tra chuyên trách, nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan điều tra. Ở trên biển đã có Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển nên khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Kiểm ngư có thể chuyển cho các lực lượng này là phù hợp. Do đó, để bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động điều tra, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm, tránh chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, đa số ý kiến Thường trực UBTP đề nghị: không bổ sung cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 188), Thường trực UBTP nhận thấy, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo và trong điều kiện nước ta hiện nay việc trang bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra là khả thi. Vì vậy cần bổ sung vào dự thảo quy định: “Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử".

Các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện nên giao Tòa cấp tỉnh giải quyết

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại phiên họp ( Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời và bảo đảm chất lượng tranh tụng, Thường trực UBTP đề nghị bỏ quy định về “ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử” của dự thảo.

Về nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý tán thành với quan điểm của UBTP, và cho rằng để thực hiện được nguyên tắc này, trước hết cần quy định quá trình điều tra phải chú ý đến tình tiết ngoại phạm của người đó. Nên có quy định cấm ngay từ đầu vụ án là việc thu thập chứng cứ và củng cố hồ sơ để khẳng định người đó phạm tội. Kinh nghiệm từ vụ Nguyễn Thanh Chấn cho thấy, phải quan  tâm đến những gì người ta nói vô tội, sau đó mới củng cố hồ sơ. Về đảm bảo nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử”, ông Phan Trung Lý cho rằng, theo tinh  thần Hiến pháp thì bất cứ cấp xét xử nào cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc này chứ không nên chỉ ở sơ thẩm và phúc thẩm.

Về việc cho phép bị can, bị cáo đọc tài liệu, hồ sơ, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng, cần cân nhắc khi quy định nội dung này ở giai đoạn nào. Vì việc bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu, liên quan đến thời gian xét xử, trong khi nhiều vụ án thời hạn xét xử ngắn. Hồ sơ, tài liệu hàng trăm bút lục, nếu dành thời gian cho bị can, bị cáo, luật sư sao chép tài liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Tòa án.

TS. Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp) thì đề nghị việc ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can nên hạn chế chỉ ở những trường hợp cụ thể, nếu mở rộng ra rất khó khả thi.

Cần phân định thẩm quyền cho phù hợp

Sau phần thảo luận về Bộ luật TTHS (sửa đổi), UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; phân định thẩm quyền giải quyết của Tòa cấp huyện, cấp tỉnh; thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm;...

Về địa vị pháp lý của VKSND, Thường trực UBTP thấy rằng, trong tố tụng hành chính, VKSND không khởi tố vụ án hành chính, không thực hành quyền công tố cũng như không chủ trì tiến hành bất kỳ một hoạt động tố tụng nào như TAND mà VKSND thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính. VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, Kiểm tra viên là người thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính. Quy định như vậy sẽ rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của TAND, VKSND, bảo đảm cho VKSND thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình đã được Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định.

Điều 23 của Luật TTHC hiện hành quy định VKSND tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án (bao gồm phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm). Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính cho thấy quy định này là cần thiết và phù hợp với đặc thù của vụ án hành chính và thực tiễn. Qua thảo luận, các ĐBQH đều tán thành với việc giữ nguyên quy định về phạm vi tham gia phiên tòa, phiên họp của VKSND. Do đó, Thường trực UBTP đề nghị tiếp tục giữ như quy định tại Điều 23 của Luật TTHC hiện hành (Điều 27 của dự thảo Luật). Đồng thời để bảo đảm cho việc xét xử vụ án hành chính nhanh chóng, nâng cao trách nhiệm của VKSND, Thường trực UBTP đề nghị quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa mà vắng mặt thì HĐXX vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa.

Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, UBTP đề nghị tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về quy định TAND có thẩm quyền giải quyết hầu hết các quyết định hành chính, hành vi hành chính, chỉ trừ các quyết định, hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 32.

Thường trực UBTP cho rằng, nếu quy định Tòa án có thẩm quyền xử lý tất cả các quyết định mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức ảnh hưởng đến quyền của người lao động (như: quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng cán bộ…) sẽ dẫn đến tình trạng TAND can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính và gây cản trở đến việc quản lý và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức. Nhưng, loại quyết định hành chính này cũng thuộc đối tượng khiếu kiện trước TAND tương tự như quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Vì vậy, Thường trực UBTP đề nghị tiếp thu ý kiến của ĐBQH bổ sung quy định tại Điều 32 của dự thảo Luật: TAND có thẩm quyền giải quyết “khiếu kiện quyết định kỷ luật giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”.

Theo Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa thì Thường trực UBTP cần đề nghị bổ sung thêm đối tượng khởi kiện vụ án hành chính gồm cả quyết định giáng chức, cách chức, hạ bậc lương công chức. TANDTC đề nghị cân nhắc kỹ việc bổ sung quy định này, vì khi công chức bị kỷ luật bằng hình thức trên họ vẫn là công chức nên việc cho phép công chức khởi kiện sẽ không phù hợp với đặc thù của khiếu kiện hành chính.

Liên quan đến phân định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, TANDTC đề nghị quy định giao việc giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện cho TAND cấp tỉnh giải quyết như đã thể hiện trong dự thảo Luật.

Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, Thường trực UBTP cho rằng, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định bị kháng nghị. Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho rằng, TANDTC nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung cho phép Hội đồng giám đốc thẩm được quyền sửa án khi có đủ điều kiện. Như vậy, sẽ đảm bảo cho việc giải quyết vụ án không bị kéo dài, gây tốn kém thời gian và chi phí cho các đương sự và Tòa án; bảo đảm vụ án giải quyết hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí hợp lý; kịp thời khắc phục những sai sót trong xét xử, qua đó nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đến nay dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên yêu cầu thực tiễn đặt ra để hoàn thiện các quy định cho phù hợp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện nên giao Tòa cấp tỉnh giải quyết