Các cơ quan tư pháp thực hiện tốt nhiều nội dung Nghị quyết 37 của Quốc hội

Mai Thoa| 13/09/2014 17:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 13/9, tại phiên họp toàn thể thứ 14, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014 của Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC.

Theo đó, có nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng chống tội phạm được các đại biểu (ĐB) đề cập đến.

Nhiều biện pháp phòng chống tội phạm hữu hiệu

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014, trong bối cảnh trong nước và khu vực có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự, số vụ án khởi tố mới là 65.318 vụ với 101.949 bị can, tăng 2,24% về số vụ, giảm 2,08% về số bị can so với cùng kỳ năm 2013. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế, tuy nhiên hoạt động của các băng nhóm tội phạm còn tiềm ẩn nhiều phức tạp tại các thành phố và khu vực giáp ranh…

Đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố điều tra 252 vụ, 504 bị can, giảm 0,4% về số vụ, 7,01% về số bị can; tội phạm về chức vụ đã phát hiện, khởi tố điều tra 26 vụ, 67 bị can, giảm 23,53% về số vụ, 28,72% về số bị can. Bên cạnh những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức được phát hiện thì tình trạng tham nhũng vặt trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, các hành vi tiêu cực để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền diễn ra khá phổ biến, song khó phát hiện do người dân ngại tố cáo, tố giác và thiếu bằng chứng xử lý.

Các cơ quan tư pháp thực hiện tốt nhiều nội dung Nghị quyết 37 của Quốc hội

Quang cảnh phiên họp

Theo báo cáo của TANDTC, năm 2014, Tòa án các cấp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm, các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân - gia đình,…thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có xu hướng tăng. Tòa án các cấp đã cố gắng nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; thực hiện mục tiêu xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật;…Tiếp tục triển khai nhiệm vụ CCTP theo tinh thần NQ 49 và NQ 37 của Quốc hội.

Từ ngày 1/10/2013- 31/7/2014, các Tòa án đã giải quyết 286.614 vụ án các loại trong tổng số 375.412 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,3%), số vụ án còn lại hầu hết mới thụ lý. Mặc dù số lượng các loại vụ án tăng, cùng với thẩm quyền mới của Tòa án trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, xử lý các vụ việc liên quan đến đất đai được mở rộng, nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt,…nên trong thời gian qua đã khắc phục cơ bản tình trạng án quá hạn luật định; không có án quá hạn do lỗi của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và nâng lên; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014 không có trường hợp nào kết án oan người không có tội, khắc phục cơ bản việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ;…

Tại phiên họp, các đại biểu đã đề cập đến một số nội dung liên quan đến sự phối hợp giữa VKS và Công an trong việc tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm; các quy định liên quan đến việc đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện; vấn đề bồi thường oan sai; cơ sở vật chất của các trại giam hiện chưa đáp ứng yêu cầu;…

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đánh giá, báo cáo của các cơ quan cơ bản phản ánh đúng thực tế. Hệ thống Tòa án các cấp và một số cơ quan tư pháp khác cũng đã phấn đấu, nỗ lực lớn, chỉ đạo rất quyết liệt nên tỷ lệ án treo giảm, tình hình tội phạm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Quyền cũng cho biết, qua giám sát cho thấy TAND các địa phương lượng án tồn đọng khá nhiều do thiếu Thẩm phán xét xử. Lý do là quy trình bổ nhiệm Thẩm phán hiện nay đang bị kéo dài và cũng vì vướng một phần bởi những quy định liên quan đến thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Hiến pháp khiến cho việc án tồn đọng tăng cao hơn. Đây là những tồn tại cần khắc phục, nhất là ở các địa phương.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị xem xét các khoản chi cho Công an phường trong việc dẹp trật tự trên địa bàn các thành phố lớn hiện đang giống như kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Khi lực lượng Công an (thường ngồi trên những xe tải loại nhỏ) đi dẹp trật tự, song đi qua rồi lại đâu vào đấy; người dân lại tràn ra đường, mọi việc vẫn y nguyên, trong khi phí cho lực lượng  này là không hề nhỏ.

Cân nhắc khi trao thẩm quyền cho Công an cấp xã

Đại biểu Trịnh Thanh Bình cho biết, các báo cáo của Tòa án, Công an, VKS về công tác năm 2014 khá đầy đủ và toàn diện về tình hình, kết quả phòng chống tội phạm hiện nay. Riêng đối với việc trao thẩm quyền điều tra cho Công an xã hiện nay (dự thảo Luật CAND đưa ra nội dung này) rất băn khoăn, có ý kiến cho rằng nếu giao thẩm quyền điều tra cho Công an xã không hợp lý. Ở vùng sâu, vùng xa, trách nhiệm Công an xã trong việc bảo vệ hiện trường, lấy lời khai ban đầu…rất quan trọng, nên nếu trao quyền phải quy định từng nhiệm vụ cụ thể. Ngay cả Công an phường hiện nay cũng vậy, dù rất nhanh nhạy và đáp ứng yêu cầu nhưng khi trao quyền cũng phải có những khung nhất định: phải là người được đào tạo chính quy và có năng lực trong công tác điều tra mới được trao quyền. Có như vậy vụ án mới "chuẩn” trong những giai đoạn đầu tiên, tránh oan sai trong tố tụng.

Đại biểu Trịnh Thanh Bình cũng cho biết, việc bảo quản xử lý phương tiện vi phạm hiện nay cũng đang là vấn đề nan giải, nhiều khi có kho cũng không làm gì được như tạm giữ xà lan đi trên sông; việc tổ chức thi hành án sẽ khó khăn nếu như xà lan bị bán trộm, hoặc neo trên sông tàu bè đi lại va phải thì phải bồi thường, các cán bộ nghiệp vụ thường "ngại" trách nhiệm trong những việc này. Vì vậy nên có đầu tư sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu hoàn thiện báo cáo để trình UBTVQH trong phiên họp tới. Đối với việc bổ nhiệm Thẩm phán, đây là vấn đề rất lớn hiện nay vì đang trong giai đoạn chuyển giao từ Chánh án TANDTC sang Chủ tịch nước bổ nhiệm, quá trình đó mất nhiều thời gian thẩm định và làm các thủ tục cần thiết. Tinh thần chung, Chánh án TANDTC đang chỉ đạo rất quyết liệt và rất khẩn trương cho công tác này.

Kết thúc ngày làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, Chính phủ cùng các cơ quan tư pháp đã có sự chuẩn bị khẩn trương, kỹ càng các báo cáo gửi về để Ủy ban Tư pháp kịp thẩm tra. Qua nội dung báo cáo và thảo luận, thấy rằng nhờ sự cố gắng của các cơ quan tư pháp nên hầu hết chỉ tiêu theo NQ 37 mà Quốc hội đã đề ra cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao chưa hoàn thành nên đề nghị các cơ quan phân tích rõ hơn những nội dung này, qua đó nắm bắt những gì còn khó khăn, kiến nghị với Quốc hội để trong thời gian tới tìm ra giải pháp thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo trình UBTVQH trong phiên họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cơ quan tư pháp thực hiện tốt nhiều nội dung Nghị quyết 37 của Quốc hội