Các bộ, ngành phải coi việc rà soát văn bản pháp luật là nhiệm vụ của mình

Mai Thoa| 25/03/2019 20:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tư pháp phải có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra đối với các văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương; kiên quyết xử lý văn bản trái luật hoặc cài cắm lợi ích.

Tinh thần chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng được quán triệt tới các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt tại buổi làm việc với các bộ, ngành mới đây.

Ngăn tình trạng “cài cắm” lợi ích

Theo số liệu thống  kê của các bộ, ngành, hiện các cơ quan này còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 1/7/2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua các bộ, cơ quan đã nỗ lực xử lý tốt vấn đề văn bản nợ đọng, nhưng nếu không nỗ lực thường xuyên thì việc chậm trễ, nợ đọng sẽ quay lại và trở thành rào cản với tăng trưởng. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, cho ý kiến với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Phải có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra đối với các thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, của chính quyền địa phương; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các bộ, ngành phải coi việc rà soát văn bản pháp luật là nhiệm vụ của mình

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Gần đây, một số bộ, ngành ban hành văn bản không đúng, không phù hợp với thực tế, gây bức xúc dư luận như: Thông tư 08/2018/TT-BTNMT, Thông tư 09/2018/TT-BTNMT về nhập khẩu phế liệu của Bộ TNMT, gây bất cập và bức xúc. Tại thời điểm trước Tết nguyên đán 2019, có tới 24.124 container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước, trong đó nhiều container là nguồn nguyên liệu rất cần cho sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu hủy bỏ và Bộ TNMT đã xử lý rất nhanh nhưng ở đây trách nhiệm của ngành rất lớn.

Trước đó, Bộ KH&CN cũng đã phải công bố tạm dừng Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, sau những phản ứng từ phía các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” có hiệu lực từ ngày 11/02 lại không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi như thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ăn bèo tây, thân chuối…cũng gây nhiều phản ứng của dư luận vì những bất hợp lý của Thông tư này…

Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, cán bộ làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, cấp vụ đều phải trách nhiệm, tâm huyết, tận tâm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống. Từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế mà các cơ quan doanh nghiệp đang gặp phải. Đề nghị các bộ, cơ quan nêu rõ lý do chậm trễ, các khó khăn, vướng mắc ở đâu, đồng thời phải nêu giải pháp khắc phục và “chốt” thời gian cuối cùng để hoàn thành các dự thảo văn bản -Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, chậm nhất tới ngày 15/4, các bộ phải trình các dự thảo để Văn phòng Chính phủ xử lý, trình Chính phủ ban hành, đảm bảo tới ngày 15/5 không còn văn bản nợ đọng. Chỉ với các văn bản thi hành Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì còn có thể nợ được, vì đây là những lĩnh vực rất nhạy cảm, cần thận trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã quán triệt tới các bộ về vấn đề xử lý không để nợ đọng văn bản. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải lưu ý nhiệm vụ xây dựng Nghị định về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đã chậm tới một năm rưỡi chưa ban hành. Cùng với đó là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.

Bộ Công thương cần lưu ý về những kẽ hở chính sách để một số doanh nghiệp lạm dụng vị thế khống chế thị trường, làm tổn hại đến lợi ích chung của xã hội. Bộ Công thương cũng là đơn vị tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, vì vậy cần phát huy ưu điểm này, không thể để tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “không cần vội”, phải lấy ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ. Thủ tướng đã cho phép lùi thời hạn trình các văn bản này, với yêu cầu vừa phải bảo đảm an ninh quốc gia, vừa bảo đảm các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cơ quan này lưu ý để đảm bảo chất lượng khi bàn hành.

Liên quan đến việc thực hiên các hiệp định thương mại đã được ký kết, Bộ Tài chính cần sớm xây dựng các biểu thuế mới để thực hiện, vì đây là việc có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện mà Thủ tướng Chính phủ quan tâm thực tử.

Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ: Chậm nhất tới 15/4, các Bộ phải trình các dự thảo, VPCP sẽ xử lý, trình Chính phủ ban hành để tới 15/5 không còn văn bản nợ đọng. Trong 16 văn bản nợ đọng, có 3 loại văn bản rất cần tháo gỡ sớm. Đó là nghị định về thanh toán đầu tư BT; việc xây dựng các biểu thuế khi tham gia Hiệp định CPTPP và các văn bản liên quan tới Luật Quy hoạch, nếu đơn vị nào làm chậm thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bộ, ngành phải coi việc rà soát văn bản pháp luật là nhiệm vụ của mình