Các Bộ, ngành phải coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị thường xuyên

Mai Thoa| 15/12/2020 17:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 15/12, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả tại các Bộ, ngành, địa phương.

Hội nghị dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Còn dàn trải, thiếu trọng tâm

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW cho thấy , công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định, giữ vững quốc phòng và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

a_tinh_2_osbz.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác PBGDPL. Hoạt động PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hình thức PBGDPL chậm đổi mới. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét.

Vì vậy, hội nghị sẽ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình PBGDPL hay, hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương để từ đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng, áp dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Báo cáo công tác PBGDPL và kế hoạch thời gian tới, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, qua theo dõi của Bộ Tư pháp, thực tiễn triển khai công tác PBGDPL của các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương, cơ quan, đơn vị đều bám sát điều kiện thực tiễn, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xây dựng các mô hình PBGDPL phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Bên cạnh các hình thức PBGDPL quen thuộc, được duy trì và sử dụng rộng rãi thì hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, cách làm sáng tạo trong PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, tình hình thực tế của các đơn vị, địa phương, qua đó “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan nhằm giúp người dân thuận tiện tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống.

Hiện nay công tác PBGDPL đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm.

Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, bám sát theo nội dung, tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư.

Theo đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác PBGDPL, tránh phô trương, hình thức. Phát huy đầy đủ vai trò tư vấn định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình PBGDPL gắn với triển khai nhiệm vụ công tác PBGDPL của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác PBGDPL…

Theo PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp cho biết: Việc đánh giá hiệu quả PBGDPL là rất cần thiết, tuy nhiên đây là công việc rất khó và phức tạp. Trước yêu cầu mới đặt ra sau khi tổng kết thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, cần có những đổi mới trong phương pháp và cách thức đánh giá hiệu quả PBGDPL.

Việc đánh giá này được thể hiện ở 3 mức độ từ thấp đến cao: Tri thức pháp luật; Hình thành thái độ tích cực, sự tự tin pháp luật, hướng tới cách xử sự hợp pháp và hành động trong thực tiễn. Trong 3 mức độ nói trên, hành động trong thực tiễn phản ánh mức độ cao nhất của hiệu quả PBGDPL.

Cần coi đây là nhiệm vụ chính trị

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng khẳng định: Công tác PBGDPL được Lãnh đạo cơ quan quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để thực hiện. Nhờ công tác này, nhiều hủ tục được loại bỏ, ý thức chấp hành các quy định, Hiệp định về biên giới được nâng lên, nhân dân tự nguyện tham gia cùng bộ đội biên phòng để bảo vệ chủ quyền biên giới.

z2229192679723_eb7434a2a6b97804d3fca8cbb6714990.jpg

Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng hiện đang duy trì nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: Mô hình Mỗi tuần một câu hỏi, một điều luật; Chương trình Tiếng loa biên phòng; duy trì các Ngăn sách pháp luật, Tủ sách pháp luật ở đồn biên phòng; Chương trình biên giới học đường – đối với các đơn vị gần cửa khẩu có các trường học thì bộ đội biên phòng phối hợp với trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa để giới thiệu cột mốc quốc gia cho các em học sinh…

Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, kết quả công tác PBGDPL vẫn chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với công tác xây dựng pháp luật. Thời gian tới cơ quan này sẽ hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở cơ sở phát huy vai trò, hiệu quả của các câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt, kết hợp giữa PBGDPL với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân;

Phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp hoạt động của các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đưa công tác PBGDPL vào hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể, vận động toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân tham gia vào công tác này cũng như tăng cường công nghệ thông tin.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Lam nhận định: Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong thời gian tới đó là phân tích, nghiên cứu các nhóm đối tượng chịu sự tác động của công tác PBGDPL để có phương thức áp dụng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, phải vận dụng linh hoạt phương pháp dân vận khéo, nhất là với đối tượng đặc thù, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số…

Cùng với đó, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong công tác tuyên truyền, hạn chế tình trạng phổ biến một chiều, nhận thức nâng lên nhưng hành vi tuân thủ pháp luật không được cải thiện; tiếp tục đánh giá, phân tích mô hình PBGDPL hay, hiệu quả để nhân rộng.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, coi công tác PBGDPL là nhiệm vụ chính trị, chuyên môn thường xuyên; căn cứ Quyết định số 1521/QĐ-TTg để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Hàng năm, cần phối hợp cùng cơ quan Tư pháp cùng cấp để tổng kết, đánh giá, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động PBGDPL

Cùng với đó là quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL để tạo các kênh tuyên truyền tiết kiệm, hiệu quả, hấp dẫn với phương châm lấy người dân làm trung tâm. Hội đồng PBGDPL các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, đổi mới cách làm; thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Về phía Hội đồng Trung ương, Thứ trưởng cho biết Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa công tác PBGDPL trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các Bộ, ngành phải coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị thường xuyên