Cả nhà mê hát văn

Duy Ngợi - Kim Cương| 04/10/2014 06:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bằng niềm đam mê và ý thức bảo tồn nghệ thuật cổ truyền, ông Nguyễn Văn Hiền đã gây dựng được một gánh chầu văn có tiếng nhất nhì tỉnh Hưng Yên với 7 thành viên đều cùng một nhà. Người dân nơi đây vẫn gọi gia đình ông Hiền là “gia đình nghệ sỹ” .

Men theo con đường làng quanh co, phóng viên Báo Công lý tìm về “gia đình nghệ sỹ” Nguyễn Văn Hiền ở thôn Ngọc Nha, xã Phùng Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên) lúc ông đang say sưa gảy đàn nguyệt cho cô con gái hát. Rót cốc nước vối mời khách, ông Hiền vui vẻ nói về niềm đam mê nghệ thuật của gia đình.

Duyên trời định

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ đều là những cây chèo có tiếng trong đội chèo của xã Phùng Hưng (nơi có bề dày truyền thống hát chèo, chầu văn) nên từ nhỏ ông Hiền đã có khiếu về đàn hát. Thuở nhỏ, cậu bé Hiền đã biết kéo nhị, từ năm 1975 đã tham gia đội chèo của xã và đi biểu diễn khắp nơi. Nhưng cũng như bao loại hình nghệ thuật truyền thống khác, có thời hát chèo bị mai một, đội chèo của xã tan rã, ông Hiền đành quay sang học đàn Guitar và đi biểu diễn đám cưới khắp trong và ngoài tỉnh suốt một thời gian dài. Trong một lần đi biểu diễn phục vụ đám cưới năm 2000, tài năng của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hiền lọt vào mắt xanh của một kép hát văn ở Thường Tín (Hà Tây cũ – nay là Hà Nội) và cơ duyên đưa ông đến với nghệ thuật hát chầu văn từ đó.

Cả nhà mê hát văn

Ông Hiền với chiếc đàn nguyệt cùng ông lưu diễn khắp nơi. Ảnh: Duy Ngợi

Từ khi thành “học trò cưng” của ông kép hát văn, ông Hiền được thầy tạo mọi điều kiện để học đàn, học nhịp hát chầu. Vốn có năng khiếu đàn và đã từng học qua một số nhạc cụ truyền thống như trống, phách, đàn thập lục, đàn nhị nên Nguyễn Văn Hiền tiếp thu nhanh. Và ngay từ những buổi học đầu tiên, ông đã được thầy gật gù khen ngợi về năng khiếu đối với loại hình nghệ thuật được xem là “khó nhằn” này.

Tuy nhiên, chầu văn là loại hình nghệ thuật đặc biệt, không giống như hát chèo mang tính quần chúng mà là hình thức lễ nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, nghiêm trang, do đó hát văn được sử dụng chủ yếu trong nghi thức hầu đồng. Do vậy, người thể hiện không thể hát rập khuôn mà đòi hỏi phải biết thiên biến vạn hóa phù hợp với nhân vật tâm linh.

Sau một năm “khăn gói” ở nhà thầy tại Thường Tín, ông Hiền cũng chỉ học được một vài làn điệu cơ bản của chầu văn. Còn lại để có được ngày hôm nay, ông phải tự mày mò, học “lỏm” qua đài phát thanh, ti vi và cả tìm mua băng đĩa về học. Nhờ sự tìm tòi, khổ luyện của bản thân, đến nay ông Hiền có thể đàn và hát gần 40 giá hầu với nhiều làn điệu khác nhau.

Gia đình làm nghề nông, lại nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học nên theo đuổi được loại hình nghệ thuật này không phải là điều đơn giản. Thêm nữa, có thời kỳ người ta xem chầu văn là mê tín dị doan, không ít người bảo ông Hiền gàn dở, nhưng nhờ sự động viên của vợ cùng với sự nỗ lực của bản thân nên ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn, quyết tâm theo đuổi loại hình nghệ thuật này. “Chầu văn tuy là loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được giá trị đích thực của nó. Nhiều người nghe tiếng đàn hát chầu thì quay lưng nhưng có người chỉ mới nghe thì đã say đắm”, ông Hiền giãi bày.

Gánh chầu văn gia đình

Thấy bố say mê đàn hát, không biết từ bao giờ cả ba người con của ông Hiền cũng đều “say” chầu văn như điếu đổ. Biết các con thích thú với loại hình này nên từ năm 2002, ông Hiền đã truyền dạy cho ba người con những nốt nhạc, lời hát chầu văn đầu tiên.

Như dòng máu nghệ thuật lưu truyền, không lâu sau, ba người con của ông đã có thể đàn, hát được những bài chầu khó, phức tạp. Cũng như bố, người con trai cả của ông Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1984) có thể chơi thành thạo được nhiều loại nhạc cụ phục vụ hát chầu. Hai cô con gái Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1986) và Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1988) lại được trời phú cho chất giọng hay, trong trẻo.

Đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Hằng vẫn nhớ như in kỷ niệm ngày đầu bố truyền dạy hát văn cho mấy anh em: “Lúc ba anh em mình mới học, trống, phách không có nên bố con mình còn đưa cả bát đĩa ra gõ. Vì muốn mấy anh em nhanh quen với chầu văn nên mỗi lần đi diễn, ai không bận học là bố cho đi cùng”.

Ngoài bố con ông Hiền, anh trai, chị gái ông và sau này có thêm người con rể của ông cũng đàn hát khá thành thục loại hình nghệ thuật “kén người” này.

 

Cả nhà mê hát văn

Một buổi tập hát chầu văn của cha con ông Hiền. Ảnh: Duy Ngợi

Là “gia đình nghệ sỹ” nên trong nhà ông Hiền lúc nào cũng có nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Hiện giờ, câu lạc bộ chầu văn của gia đình ông có thể chia làm hai gánh hát và thường đi diễn khắp nơi. Cứ mỗi dịp cuối tuần hay lúc nhàn rỗi, cha con ông Hiền lại quây quần bên nhau vừa đàn, vừa hát xua tan mệt mỏi, lo âu thường ngày.

Ngoài những làn điệu chầu văn cổ xưa, cha con ông Hiền còn tìm tòi, học hỏi, sáng tác thêm những lời văn mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Câu lạc bộ hát văn của gia đình ông Hiền đã 2 lần tham gia Liên hoan Hát văn khu vực đồng bằng Sông Hồng và đều đạt giải cao.

Năm 2010, gánh hát văn của gia đình ông giành được Huy chương bạc toàn đoàn, riêng chị Nguyễn Thị Hằng giành Huy chương Vàng cá nhân với tiết mục “Chầu văn, giá chầu đệ nhị”. Năm 2012, gánh hát văn của gia đình ông giành được Huy chương Bạc toàn đoàn, chị Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Hòa giành Huy chương Bạc cá nhân với tiết mục “Cô đôi thượng ngàn”.

Cả nhà mê hát văn

Những tấm huy chương của gánh chầu văn gia đình ông Hiền có được sau 2 lần
tham dự liên hoan hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc. Ảnh: Kim Cương

Năm 2010, “Câu lạc bộ chầu văn Xuân Hiền” của xã Phùng Hưng do ông Hiền làm chủ nhiệm với 7 thành viên trong gia đình ông chính thức thành lập và được Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hưng Yên cấp con dấu riêng. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng, thể hiện sự quan tâm của cấp trên với niềm đam mê và bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ của “gia đình nghệ sỹ” Nguyễn Văn Hiền. Ngoài ra, 7 thành viên trong gia đình ông còn tham gia câu lạc bộ Hát dân ca của huyện Khoái Châu.

Nói về gia đình ông Hiền, ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Phùng Hưng nhận xét: “Gia đình ông Nguyễn Văn Hiền vốn có truyền thống hát dân ca, đặc biệt là hát chầu văn, cả nhà 5 người thì có 4 người hát chầu có tiếng trong và ngoài xã. Đặc biệt gia đình ông có hai cô con gái hát chầu văn rất tốt, thường đại diện cho tỉnh đi dự hội thi và đều đạt giải cao”.

Hát văn, còn gọi là chầu văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh.

Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát văn lại có cơ hội phát triển. Các trung tâm của hát văn là Hà Nam, Nam Định và một số vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật chầu văn đang được quan tâm bảo tồn và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Hiện tại, Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam, Nam Định đã được đưa vào danh sách 33 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (đợt 1).

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nhà mê hát văn