Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) đã trình diễn trực tuyến 2 ca can thiệp tim mạch phức tạp từ đầu cầu tại Viện.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam là một trong 8 đầu cầu đến từ Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Thuỵ Sỹ thực hiện trình diễn 2 ca can thiệp tim mạch phức tạp trực tuyến đến hàng nghìn bác sĩ tham dự Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live 2020 diễn ra từ ngày 15-17/1 tại Singapore.
Ca can thiệp đầu tiên là một bệnh nhân nam 67 tuổi, vào viện vì đau ngực trái dữ dội do nhồi máu cơ tim cấp. Tiền sử bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và hút thuốc lá nhiều năm.
Ảnh chụp động mạch vành qua da cho thấy bệnh nhân bị hẹp nặng thân chung động mạch vành trái. Đây là vị trí hẹp rất nguy hiểm do ở ngã ba con đường độc đạo cấp máu vào động mạch vành trái, nhánh chính nuôi trái tim. Tỷ lệ tử vong trong thời gian nằm viện 11,5% nếu bệnh nhân có huyết động ổn định và 32% nếu bệnh nhân kèm sốc tim.
Hình ảnh trực tuyến từ điểm cầu Viện Tim mạch Quốc gia.
Trước đây, với những trường hợp này, phương pháp phẫu thuật mổ mở được coi là lựa chọn hàng đầu. Người bệnh phải chịu đựng cuộc đại phẫu, phải mổ cưa xương ức với thời gian hậu phẫu kéo dài.
Nhưng với phương pháp can thiệp qua da, các dụng cụ can thiệp siêu nhỏ được đưa qua một vết chọc nhỏ tại động mạch quay hoặc đùi, thời gian hồi phục chỉ trong vài ngày là đã có thể ra viện.
Với bệnh nhân này, tổn thương mạch vành ở vị trí phức tạp đã được giải quyết thành công bằng kỹ thuật can thiệp sử dụng 2 stent là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào lòng mạch vành nhằm mục đích mở rộng lòng mạch và giữ mạch không bị hẹp lại.
"Chi phí một ca can thiệp như thế này ở Mỹ gấp 5 - 10 lần, ở Singapore gấp 5 lần Việt Nam. Tại nước ta, tổng chi phí một ca can thiệp khoảng 160 triệu, trong đó được BHYT chi trả khoảng 60 triệu", PGS Hùng cho biết.
Bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân
Ca can thiệp thứ 2 là bệnh nhân 70 tuổi bị phình và lóc tách động mạch chủ. Trước đây, bệnh nhân sẽ phải mổ mở, thay đoạn động mạch chủ xuống bằng 1 ống ghép nhân tạo, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật lên tới 70-80%, 30% còn lại chịu hậu phẫu nặng nề khiến bệnh nhân không thể thở và sẽ tử vong vì biến chứng nhiễm trùng.
Hiện nay, Viện Tim mạch Quốc gia áp dụng can thiệp qua da đặt stent graft. Đây là kỹ thuật mới rất đặc biệt có giá trị bước ngoặt. Viện tim mạch quốc gia cũng là trung tâm tim mạch đầu tiên trong khu vực thực hiện kỹ thuật này, còn lại hầu hết các nước thực hiện mổ mở.
Theo đó, bác sĩ sẽ thực hiện luồn giá đỡ qua vết rạch ở đùi lên động mạch chủ để bịt vết rách. Tỷ lệ thành công của phương pháp này lên tới 98%.
PGS Hùng cho biết, ở các nước, sau khi đo đạc vị trí vết rách, bác sĩ sẽ liên hệ với hãng sản xuất để đặt. Khoảng thời gian này có thể mất vài tuần, khi đó bệnh nhân có thể đã tử vong. Trong khi Viện tim mạch tự khâu stent chỉ mất 5-10 phút. Sau can thiệp 2-3 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện.
Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live lần thứ 28, với nhiều ca trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch cơ bản và nâng cao. Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia chương trình này, lần thứ nhất cách đây 11 năm.
"Thành công của 2 can thiệp phức tạp đã được các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và bạn bè quốc tế đánh giá cao về chuyên môn và sự hội nhập toàn diện của các bác sĩ Việt Nam", PGS Hùng nói.