Cà Mau: Trồng dây thuốc cá, một vốn… 8 lời

Tuyến Trang| 08/12/2015 13:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mùa thu hoạch dây thuốc cá năm nay, người dân xóm Rẫy (thuộc ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) hết sức phấn khởi vì chẳng những dây thuộc cá được mùa mà còn trúng giá. Người dân cho biết, mỗi héc-ta có lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng.

Dây thuốc cá, dây “giảm nghèo”

Vào những ngày đầu tháng 12, có dịp về xóm Rẫy (thuộc xã ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh) mọi người có thể dễ dàng bắt gặp bầu không khí nhộn nhịp, người dân đang tất bật thu hoạch dây thuốc cá. Nhiều người cho biết, mặc dù làm việc cực nhọc, lắm mồ hôi nhưng bà con không cảm thấy mệt mỏi, bởi năm nay dây thuốc cá chẳng những trúng đậm mùa mà còn bán được giá cao, từ 20 đến 22 ngàn đồng/kg, cá biệt có người bán được giá 25 ngàn đồng/kg.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ dây thuốc cá được trúng mùa như vậy là nhờ những năm vừa qua, chính quyền địa phương đã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa hoc – kỹ thuật và người dân nơi đây đã áp dụng tốt vào việc sản xuất của gia đình, trong đó có mô hình trồng dây thuốc cá nên mùa màng mới liên tiếp được bội thu.

Ngoài ra, thời tiết năm nay cũng khá thuận lợi, lượng mưa ít, cộng với việc chính quyền địa phương đã đưa cống thoát nước T29 vào hoạt động nên lượng nước vừa đủ, dây thuốc cá không bị thối rễ nên từ đầu vụ dây thuốc cá đã phát triển tốt và cho năng suất cao hơn những năm trước rất nhiều lần.

Theo người dân, nguyên nhân giá dây thuốc cá năm nay tăng cao hơn những năm trước là do diện tích nuôi tôm tăng “đột biến”, nhu cầu dùng dây thuốc cá để đánh bả cá, cải tạo đầm tôm ngày một tăng cao và dây thuốc cá ở đây được xác định là “có chất lượng” hơn dây thuốc cá ở vùng khác nên thương lái đã tranh nhau đến tìm mua, có thương lái còn đến để đặt cọc trước với giá từ 22 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, người dân không chịu nhận tiền cọc vì dự đoán từ nay đến qua Tết Dương lịch, người nuôi tôm sẽ đồng loạt cải tạo đầm tôm để đón nước mặn nên giá dây thuốc cá sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Cà Mau: Trồng dây thuốc cá, một vốn… 8 lời

Người dân cho biết, trồng dây thuốc cá rất nhàn, ít chi phí nhưng lợi nhuận cao

Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui của người dân địa phương,  ông Trần Minh Trí – Bí thư chi bộ ấp 17 cho biết: “Những năm qua, nhờ trồng dây thuốc cá mà nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo khó, vươn lên khá giả, trong ấp chỉ còn 24 hộ nghèo, giảm gần 50% so với năm 2014. Có thể nói, dây thuốc cá là loại dây ‘giảm nghèo’ ở địa phương”.

Nhân rộng mô hình

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân ở xóm Rẫy được mệnh danh là “thủ phủ” dây thuốc cá cho biết, vùng đất này trước kia vốn là đất trũng, đất phèn, nếu không trồng được dây thuốc cá thì người dân cũng chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Theo đó, người dân tìm đến dây thuốc cá là với tình thế bắt buộc và với suy nghĩ có “được đồng nào hay đồng nấy”. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, họ đã thích thú và đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình mà trước kia họ vốn không hi vọng gì.

Đứng trên rẫy dây thuốc cá của gia đình, ông Đỗ Thành Lương, một trong những người khởi xướng mô hình trồng dây thuốc cá phấn khởi kể lại, trước đây gia đình ông nghèo khó lắm, bởi đất phèn và trũng, việc trồng lúa và hoa màu đều không hiệu quả, nhiều người đã phải bỏ đất trống để tràm và cây cỏ mọc um tùm, có người siêng năng thì trồng chuối trên bờ bao và bắt cá đồng để sống qua ngày.

Trong một lần về vùng căn cứ cách mạng của huyện Năm Căn (Cà Mau) thấy người ở đó trồng dây thuốc cá phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế khá nên ông nảy sinh ý định đem loại cây trồng này về trồng thử nghiệm trên mảnh đất của mình. “Thật khó tin khi loại cây này chịu phèn cực mạnh và phát triển tốt trên vùng đất khó này nên ngày càng có nhiều người đến xin giống về trồng theo”, ông Lương nói.

Ông Lương thông tin thêm, hiện tại diện tích trồng dây thuốc cá gia đình ông là hơn 8 héc-ta, mỗi năm mang về cho gia đình từ 400 – 500 triệu đồng. Riêng vụ mùa năm nay, gia đình ông đã bán được hơn 2 héc-ta, với giá bán từ 20 – 22 ngàn đồng/kg, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

“Cái hay của mô hình này là rất ít chi phí, chỉ tốn không tới 7 triệu đồng/héc-ta và thời gian chăm sóc rất nhàn, chỉ bón phân bổ sung dưỡng chất, trữ và xả nước chống khô cạn và chống ngập là đã đủ điều kiện để loại dây này phát triển. Đến khi thu hoạch, nếu được trúng mùa, trúng giá như năm nay người trồng sẽ có lợi nhuận gấp 8 lần chi phí”, ông Lương chia sẻ.

Cũng là một trong những gia đình tham gia trồng dây thuốc cá hơn 7 năm qua, những ngày này gia đình ông Nguyễn Văn Khánh đang tất bật thu hoạch dây thuốc cá. Do chuẩn bị tốt các khâu trước khi trồng (cải tạo đất, vun gốc, bón phân và làm cỏ) nên dây thuốc cá của gia đình ông Khánh đã cho năng suất cao hơn hẳn so với các gia đình khác, có loại bán được 24 đến 25 ngàn đồng/kg.

Ông Khánh chia sẻ, năm nay thời tiết ủng hộ, mưa ít lại có cống thoát nước đã hạn chế được tình trạng ngập úng, nhờ vậy mà dây thuốc cá của gia đình trúng mùa, có lợi nhuận mỗi héc-ta gần 60 triệu đồng. “Quả thật, được trúng mùa, trúng giá như vậy, vợ chồng tôi làm hoài cũng không thấy mệt. Tết này, gia đình tôi sẽ có cái tết thật hoành tráng”, ông Khánh phấn khởi.

Không chỉ có ông Lương, ông Khánh mà hơn 100 hộ dân khác ở xóm Rẫy đều đang hưởng niềm vui tương tự. Bà con đang hướng tới một cái tết đầy sung túc.

“Mô hình trồng dây thuốc cá là một trong những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế khá, ít chi phí, ít tốn thời gian nhưng lợi nhuận lại khá cao. Từ hiệu quả mà dây thuốc cá mang lại chính quyền địa phương cũng đang vận động bà con nhân rộng mô hình để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Thanh Phong  - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An chia sẻ như vậy.

Dây thuốc cá ở Việt Nam còn gọi là dây duốc cá, dây mật, dây cóc, dây cát, lầu tín…Có tên khoa học là (Derris elliptica) là một loại dây leo khoẻ thân dài 7-10m, lá kép 9-13 lá chét, mọc so le, dài 25-35cm, lá chét lúc đầu mỏng, sau dai dày, hình mác, đầu nhọn, phía dưới tròn. Hoa nhỏ, trắng hoặc hồng. Quả loại quả đậu, dẹt, dài 4-8cm.

Cây thuốc cá có độc tố là chất Rotenon có tác dụng diệt cá và diệt nhiều loại côn trùng gây hại cây trồng nên được dùng làm thuốc thảo mộc để trừ côn trùng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Trồng dây thuốc cá, một vốn… 8 lời